Thành lập Hội đồng quản lý theo Thông tư số 04/2022/TT-BTP ngày 21/6/2022 của Bộ Tư pháp

Thứ tư - 17/08/2022 16:17 882 0
Ngày 21/6/2022, Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 04/2022/TT-BTP hướng dẫn về Hội đồng quản lý và tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành Tư pháp. Thông tư này hướng dẫn về việc thành lập, vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên và quy chế hoạt động, mối quan hệ công tác của Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành Tư pháp và có hiệu lực kể từ ngày 05/8/2022.
 Theo đó, về thẩm quyền quyết định thành lập Hội đồng quản lý, Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định việc thành lập Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc thành lập Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Tư pháp.
Hồ sơ đề nghị thành lập Hội đồng quản lý: Văn bản đề nghị thành lập Hội đồng quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập; văn bản đề nghị thành lập Hội đồng quản lý của đơn vị cấp trên trực tiếp quản lý đơn vị sự nghiệp công lập (nếu có). Cấp trên trực tiếp của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cục, thuộc tổng cục thuộc bộ là cục, tổng cục thuộc bộ; cấp trên trực tiếp của đơn vị công lập thuộc Sở Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là Sở Tư pháp; Đề án thành lập Hội đồng quản lý; Dự thảo Quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý; Các tài liệu chứng minh đủ điều kiện thành lập Hội đồng quản lý theo quy định; Biên bản họp liên tịch và Hội nghị cán bộ chủ chốt; Ý kiến bằng văn bản của các cơ quan có liên quan về việc thành lập Hội đồng quản lý; Các giấy tờ có liên quan khác (nếu có).
Quy trình thành lập Hội đồng quản lý được thực hiện theo các bước sau:
1. Xin chủ trương của cấp có thẩm quyền về thành lập Hội đồng quản lý
a) Sau khi trao đổi, thống nhất trong lãnh đạo đơn vị về chủ trương thành lập Hội đồng quản lý, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức họp liên tịch giữa lãnh đạo đơn vị, cấp ủy đảng và đại diện các tổ chức chính trị - xã hội thảo luận về việc thành lập, dự kiến số lượng, cơ cấu thành phần tham gia Hội đồng quản lý.
b) Trên cơ sở họp liên tịch, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập xây dựng báo cáo đề xuất thành lập Hội đồng quản lý kèm theo Biên bản họp liên tịch gửi cơ quan thẩm định để trình cơ quan hoặc người có thẩm quyền quyết định theo quy định tại Điều 4 Thông tư này phê duyệt chủ trương thành lập Hội đồng quản lý.
Đối với đơn vị sự nghiệp công lập có đơn vị cấp trên trực tiếp quản lý, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập gửi báo cáo cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp để cho ý kiến về sự cần thiết, gửi cơ quan thẩm định trình cơ quan, người có thẩm quyền quyết định theo quy định tại Điều 4 Thông tư này phê duyệt chủ trương thành lập Hội đồng quản lý.
2. Đề nghị thành lập Hội đồng quản lý sau khi cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương
a) Sau khi có phê duyệt chủ trương của cấp có thẩm quyền, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập chỉ đạo tổ chức lập Hồ sơ thành lập Hội đồng quản lý, tổ chức Hội nghị cán bộ chủ chốt của đơn vị để cho ý kiến đối với Đề án thành lập, dự thảo Quy chế hoạt động và đề xuất nhân sự tham gia Hội đồng quản lý của đơn vị. Nhân sự tham gia Hội đồng quản lý phải đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại Điều 15 Thông tư này.
b) Hội nghị cán bộ chủ chốt của đơn vị bao gồm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu, cấp ủy đảng, chủ tịch công đoàn, bí thư đoàn thanh niên, lãnh đạo các phòng, ban trực thuộc (nếu có) và đại diện cơ quan quản lý cấp trên, cấp trên trực tiếp (nếu có) của đơn vị sự nghiệp công lập.
c) Trên cơ sở kết quả Hội nghị cán bộ chủ chốt, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập chỉ đạo hoàn thiện Hồ sơ thành lập Hội đồng quản lý gửi cơ quan thẩm định trình cơ quan hoặc người có thẩm quyền quyết định theo quy định tại Điều 4 Thông tư này.
Đối với đơn vị sự nghiệp công lập có đơn vị cấp trên trực tiếp quản lý, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập gửi Hồ sơ đến cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp để cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp xem xét, gửi cơ quan thẩm định trình cơ quan hoặc người có thẩm quyền thành lập Hội đồng quản lý quyết định theo quy định tại Điều 4 Thông tư này xem xét, quyết định.
3. Cơ quan thẩm định hồ sơ thành lập Hội đồng quản lý
a) Cơ quan thẩm định hồ sơ thành lập Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 6 Điều 7 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP.
b) Cơ quan thẩm định quy định tại điểm a khoản này tiến hành thẩm định các nội dung về sự cần thiết, số lượng, cơ cấu, thành phần, tiêu chuẩn của thành viên Hội đồng quản lý; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, Quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý và các nội dung khác có liên quan.
4. Đơn vị sự nghiệp công lập hoặc đơn vị cấp trên trực tiếp của đơn vị sự nghiệp công lập trên cơ sở kết quả thẩm định, hoàn thiện hồ sơ báo cáo cơ quan hoặc người có thẩm quyền xem xét, quyết định thành lập Hội đồng quản lý.
5. Trên cơ sở văn bản đề nghị thành lập, văn bản thẩm định thành lập Hội đồng quản lý, cơ quan hoặc người có thẩm quyền thành lập Hội đồng quản lý quy định tại Điều 4 Thông tư này xem xét, quyết định thành lập Hội đồng quản lý và phê duyệt Quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập.
Nguyên tắc, chế độ làm việc của Hội đồng quản lý: Hội đồng quản lý làm việc theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số, trừ trường hợp quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý quy định tỷ lệ biểu quyết cao hơn; quyết định của Hội đồng quản lý được thể hiện bằng hình thức Nghị quyết. Trường hợp số phiếu tán thành và không tán thành bằng nhau thì sẽ quyết định theo bên có ý kiến của Chủ tịch Hội đồng. Đại diện của cơ quan quản lý cấp trên, cấp trên trực tiếp của đơn vị sự nghiệp công lập trong Hội đồng quản lý làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Thành viên Hội đồng quản lý là công chức, viên chức thuộc cơ quan, đơn vị khác làm việc theo chế độ kiêm nhiệm; các thành viên Hội đồng quản lý là viên chức của đơn vị sự nghiệp công lập có thể làm việc theo chế độ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm và được xác định trong Đề án thành lập Hội đồng quản lý. Hội đồng quản lý tổ chức cuộc họp theo yêu cầu công việc của Hội đồng quản lý và được xác định trong Quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý. Các cuộc họp của Hội đồng quản lý được coi là hợp lệ khi có trên 2/3 số thành viên tham dự. Hội đồng quản lý hoạt động theo quy chế hoạt động được cơ quan hoặc người có thẩm quyền quyết định thành lập Hội đồng quản lý phê duyệt. Hội đồng quản lý được sử dụng con dấu và bộ máy tổ chức của đơn vị sự nghiệp công lập để triển khai công việc của Hội đồng quản lý./.

Tác giả bài viết: B.H

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây