Nghị định số 56/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế ở bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; quy định mới về ngạch pháp chế viên gắn với tiêu chuẩn ngạch; quy định về chế độ hỗ trợ và trách nhiệm, thời hạn để các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc rà soát, xét chuyển ngạch cho công chức làm công tác pháp chế;
Nghị định số 59/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành văn bản; quy định rõ hơn, giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho bộ, ngành, địa phương; nâng cao trách nhiệm của cơ quan lập đề nghị, soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật và các chủ thể có liên quan trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Để Nghị định số 56/2024/NĐ-CP và Nghị định số 59/2024/NĐ-CP được triển khai đồng bộ, hiệu quả, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp đề nghị Ban cán sự đảng, Đảng ủy trực thuộc Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy các tình, thành phố trực thuộc Trung ương và Đảng ủy doanh nghiệp nhà nước quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, doanh nghiệp nhà nước thực hiện tốt hai Nghị định và lưu ý một số nội dung sau đây:
1. Đối với Nghị định số 56/2024/NĐ-CP: Xây dựng Kế hoạch triển khai Nghị định số 56/2024/NĐ-CP đảm bảo đồng bộ, hiệu quả tạo sự đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác pháp chế. Củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động của các tổ chức pháp chế trực thuộc, trong đó xác định rõ việc thành lập mới ở những nơi chưa có tổ chức pháp chế (nếu đủ điều kiện theo quy định của Nghị định số 56/2024/NĐ-CP); củng cố, kiện toàn các tổ chức pháp chế hiện có; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền han cụ thể của từng tổ chức pháp chế và các biện pháp, giải pháp cụ thể về chế độ, điều kiện bảo đảm cho hoạt động của các tổ chức pháp chế theo quy định của Nghị định số 56/2024/NĐ-CP. Rà soát, xét chuyển ngạch cho công chức thực hiện công tác pháp chế ở bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sang ngạch pháp chế viên tương ứng theo quy định của pháp luật về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày Nghị định số 56/2024/NĐ-CP có hiệu lực. Bố trí kinh phí năm 2024 theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành để chi hỗ trợ cho người làm công tác pháp chế ở bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 56/2024/NĐ-CP. Chỉ đạo xây dựng kinh phí này trong dự toán ngân sách năm 2025 của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo đúng các quy định. Tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 56/2024/NĐ-CP tại cơ quan, đơn vị và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn.
2. Đối với Nghị định số 59/2024/NĐ-CP: Tiếp tục xác định công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm trong quản lý nhà nước của mỗi bộ, ngành, địa phương. Các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương cần quyết liệt thực hiện nghiêm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng, thời hạn trình văn bản quy phạm pháp luật. Kết hợp đồng bộ, chặt chẽ các cơ chế, biện pháp kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật nhằm xây dựng hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, mở đường cho đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững. Tổ chức triển khai có hiệu quả các quy định mới của Nghị định số 59/2024/NĐ-CP. Đặc biệt, các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm, thực hiện đúng quy định mới về đánh giá tác động của chính sách; trách nhiệm cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc rà soát, xác định nội dung giao quy định chi tiết; xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn; hồ sơ dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháo luật gửi Bộ Tư pháp thẩm định; việc xử lý thông tư liên tịch giữa các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ./.