Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Thông tư này bao hàm cả phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Thông tư liên tịch số 47/2012/TTLT-BTC-BTP và Thông tư liên tịch số 92/2014/TTLT-BTC-BTP-VPCP, bao gồm việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật của các cơ quan, đơn vị, bao gồm các văn bản sau: Bộ luật, luật, nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; lệnh, quyết định của Chủ tịch nước; nghị định của Chính phủ; nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; quyết định của Thủ tướng Chính phủ; nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao với Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước; nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; nghị quyết của Hội đồng nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương; quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện; nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn; quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã.
Thông tư này quy định thêm một số nội dung chi và tăng thêm mức chi ở nhiều nội dung chi khác nhau trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luậtvà hoàn thiện hệ thống pháp luật của HĐND và UBND. Riêng đối với hoạt động theo dõi thi hành pháp luật tại địa phương, Thông tư quy định thêm một số nội dung chi như: Chi cho công tác báo cáo theo dõi tình hình thi hành pháp luật theo chuyên đề; báo cáo theo dõi tình hình thi hành pháp luật đột xuất; Chi cho cá nhân tham gia họp, hội thảo, toạ đàm, hội nghị phục vụ công tác điều tra, khảo sát, theo dõi, đánh giá về tình hình thi hànhpháp luật.
Căn cứ khả năng ngân sách và tình tình thực tế; Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương, Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định mức phân bổ cụ thể đối với từng loại văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện cho phù hợp. Đối với kinh phí xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật năm 2017 (bao gồm cả kinh phí luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội) các Bộ, cơ quan trung ương, các địa phương bố trí, sắp xếp trong phạm vi dự toán chi ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền giao năm 2017 để thực hiện./.
Tác giả bài viết: Thu Thảo