Góp ý dự thảo Thông tư hướng dẫn một số nội dung về Công báo

Thứ tư - 06/10/2021 17:37 127 0
Thực hiện yêu cầu của Hội đồng nhân dân tỉnh tại Văn bản số 09/HĐND ngày 06/02/2017 về việc tham gia đóng góp ý kiến đối với dự thảo Thông tư hướng dẫn một số nội dung về Công báo tại Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sau đây viết tắt là dự thảo Thông tư). Ngày 10/02/2017, Sở Tư pháp tổ chức cuộc họp để lấy ý kiến đối với dự thảo Thông tư này. Tham dự cuộc họp có Lãnh đạo Sở, Trưởng các Phòng chuyên môn thuộc Sở và Chuyên viên Phòng Xây dựng và Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật. Các thành viên tham dự cuộc họp đã thảo luận và có ý kiến về một số nội dung sau:

Thứ nhất, về Phạm vi điều chỉnh của dự thảo Thông tư. Đa số ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, điều chỉnh lại phạm vi điều chỉnh (Điều 1) của dự thảo Thông tư. Bởi vì, Điều 1 dự thảo Thông tư quy định “Thông tư này hướng dẫn chi tiết về hình thức, thể thức, kỹ thuật trình bày ấn phẩm Công báo; gửi, tiếp nhận, đăng văn bản trên Công báo; phối hợp xử lý văn bản có sai sót trong quá trình tiếp nhận văn bản, đăng Công báo; quản lý lưu giữ Công báo và văn bản gửi đăng Công báo”. Việc quy định phạm vi điều chỉnh như vậy là rộng hơn so với nhiệm vụ ban hành văn bản mà Chính phủ giao cho Văn phòng Chính phủ tại Khoản 3, Điều 82 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ “Văn phòng Chính phủ hướng dẫn về hình thức, thể thức, kỹ thuật trình bày ấn phẩm Công báo”. Trong khi đó, các nội dung được mở rộng tại dự thảo Thông tư này chính là các nội dung đã được quy định tại Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ. Tuy nhiên, do Khoản 1, Điều 11 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định “…Văn bản quy định chi tiết chỉ được quy định nội dung được giao và không được quy định lặp lại nội dung của văn bản được quy định chi tiết” nên đa số ý kiến các thành viên tham dự cuộc họp cho rằng việc mở rộng phạm vi điều chỉnh giữa dự thảo Thông tư với nhiệm vụ được giao tại Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ là chưa phù hợp. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, điều chỉnh lại phạm vi điều chỉnh của dự thảo Thông tư để phù hợp với quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ.  

Thứ hai, do dự thảo Thông tư không quy định về đối tượng áp dụng nên đa số ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung một Điều quy định về Đối tượng áp dụng nhằm đảm bảo phù hợp với cấu trúc thông thường và đầy đủ của văn bản quy phạm pháp luật.

Thứ ba, về lưu giũ văn bản gửi đăng Công báo. Đa số ý kiến cho rằng Điểm b, Khoản 1, Điều 10 dự thảo Thông tư quy định thời gian lưu giữ là 05 năm đối với văn bản gửi đăng Công báo là ngắn so với thời gian tồn tại thực tế của một số Luật, Nghị định và một số văn bản pháp luật khác. Ví dụ như Bộ luật Dân sự năm 2005 có hiệu lực trên 10 năm, Nghị định số 38/2005/NĐ-CP ngày 18/3/2005 của Chính phủ quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng có hiệu lực trên 10 năm, Thông tư số 09/2005/TT-BCA  ngày 05/9/2005 của Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 38/2005/NĐ-CP có hiệu lực trên 10 năm. Do vậy, nhằm đảm bảo sự phù hợp giữa thời gian lưu trữ văn bản gửi đăng Công báo và khoảng thời gian có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật, đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét quy định một khoản thời gian dài hơn cho việc lưu giữ văn bản gửi đăng Công báo so với quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 10 dự thảo Thông tư.  

Ngoài ra, các thành viên tham gia cuộc họp còn có ý kiến về ngôn ngữ, kỹ thuật soạn thảo văn bản và một số nội dung khác để kiến nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi, bổ sung nhằm đảm bảo tính thống nhất trong toàn bộ nội dung dự thảo Thông tư./.

Tác giả bài viết: N.T.L

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây