Phương thức phối hợp trong quản lý nhà nước đối với công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh Bình Định

Thứ tư - 06/10/2021 17:37 184 0
Thực hiện Quyết định số 358/QĐ-UBND ngày 03/2/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định về việc ban hành Chương trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2016. Trên cơ sở các quy định của Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015, Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20/6/2012, Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 20/2016/NĐ-CP ngày 30/3/2016 của Chính phủ quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính, Thông tư số 10/2015/TT-BTP ngày 31/8/2015 của Bộ Tư pháp quy định chế độ báo cáo trong quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Ngày 21/12/2016, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định ban hành Quyết định số 86/2016/QĐ-UBND ban hành Quy chế phối hợp trong quản lý nhà nước đối với công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh Bình Định (sau đây viết tắt là Quyết định 86). Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017.

Việc phối hợp theo Quyết định 86 gồm các phương thức sau: (i) Cung cấp, trao đổi thông tin về xử lý vi phạm hành chính; thực hiện các yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền và tạo điều kiện cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; (ii) Tham gia giải quyết các vụ việc vi phạm hành chính có liên quan đến lĩnh vực của ngành, địa phương mình quản lý; (iii) Tham mưu, hướng dẫn, phối hợp, tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật chuyên ngành của cơ quan, đơn vị mình quy định về xử lý vi phạm hành chính; các văn bản pháp luật quy định công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; giải quyết kịp thời các vụ việc vi phạm hành chính; ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật; (iv) Tổ chức, tham gia họp liên ngành; hội nghị sơ kết, tổng kết; (v) Thành lập, tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; (vi) Tham gia, thống nhất định hướng xử lý và triển khai các biện pháp thực hiện quyết định cưỡng chế xử phạt vi phạm hành chính; (vii) Các phương thức phối hợp khác không trái với quy định của pháp luật.

Đồng thời, để thực hiện đúng, đầy đủ và kịp thời các phương thức phối hợp trên, Quyết định 86 quy định trách nhiệm của các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện và các cá nhân, tổ chức khác có liên quan. Trong số các quy định này, Quyết định 86 có quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc là “Gửi văn bản về việc công bố công khai và bản sao quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp vi phạm theo quy định tại Khoản 2, Điều 72 Luật Xử lý vi phạm hành chính và Khoản 2, Điều 8 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ về các lĩnh vực: An toàn thực phẩm; chất lượng sản phẩm, hàng hóa; được; khám bệnh, chữa bệnh; lao động; xây dựng; bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế; bảo vệ môi trường; thuế; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; đo lường; sản xuất, buôn bán hàng giả mà gây hậu quả lớn hoặc gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội đến cơ quan thông tin đại chúng nơi xảy ra vi phạm hành chính trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định xử phạt để công bố công khai về việc xử phạt trên Báo Bình Định, Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Định hoặc Trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý cấp bộ, sở, ban, ngành tỉnh của cơ quan, đơn vị của người đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Chịu trách nhiệm về nội dung thông tin công bố công khai; đính chính thông tin sai lệch trong vòng 01 ngày làm việc, kể từ thời điểm phát hiện hoặc nhận được yêu cầu đính chính”./.

Tác giả bài viết: Thành Luân

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây