- Trường hợp văn bản pháp luật mới được ban hành quy định ưu đãi đầu tư cao hơn ưu đãi đầu tư mà nhà đầu tư đang được hưởng thì nhà đầu tư được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của văn bản pháp luật mới cho thời gian hưởng ưu đãi còn lại của dự án.
- Trường hợp văn bản pháp luật mới được ban hành quy định ưu đãi đầu tư thấp hơn ưu đãi đầu tư mà nhà đầu tư được hưởng trước đó thì nhà đầu tư được tiếp tục áp dụng ưu đãi đầu tư theo quy định trước đó cho thời gian hưởng ưu đãi còn lại của dự án.
Việc áp dụng chính sách bảo đảm đầu tư kinh doanh nêu trên có một số lưu ý như sau:
Thứ nhất: Ưu đãi đầu tư được bảo đảm trong trường hợp pháp luật thay đổi là ưu đãi mà nhà đầu tư được hưởng theo quy định tại văn bản pháp luật có hiệu lực trước thời điểm văn bản pháp luật mới có hiệu lực, gồm:
+Ưu đãi đầu tư được quy định tại Giấy phép đầu tư, Giấy phép kinh doanh, Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, văn bản quyết định chủ trương đầu tư hoặc văn bản khác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
+Ưu đãi đầu tư mà nhà đầu tư được hưởng theo quy định của pháp luật không thuộc trường hợp nêu trên (khoản 2 Điều 3 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP).
Thứ hai: Trường hợp văn bản pháp luật mới được ban hành quy định ưu đãi đầu tư thấp hơn ưu đãi đầu tư mà nhà đầu tư được hưởng trước đó vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng, bảo vệ môi trường thì nhà đầu tư sẽ không được tiếp tục áp dụng ưu đãi đầu tư theo quy định trước đó cho thời gian hưởng ưu đãi còn lại của dự án mà được xem xét giải quyết bằng một hoặc một số biện pháp sau đây:
- Khấu trừ thiệt hại thực tế của nhà đầu tư vào thu nhập chịu thuế.
- Điều chỉnh mục tiêu hoạt động của dự án đầu tư.
- Hỗ trợ nhà đầu tư khắc phục thiệt hại.
Thứ ba: Đối với việc xem xét giải quyết bằng một hoặc một số biện pháp bảo đảm đầu tư nêu trên, nhà đầu tư phải có yêu cầu bằng văn bản trong thời hạn 03 năm kể từ ngày văn bản pháp luật mới có hiệu lực thi hành. Văn bản đề nghị gửi cho Cơ quan đăng ký đầu tư kèm theo Giấy phép đầu tư, Giấy phép kinh doanh, Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, văn bản quyết định chủ trương đầu tư hoặc văn bản khác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quy định về ưu đãi đầu tư (nếu có một trong các loại giấy tờ đó). Văn bản đề nghị gồm các nội dung sau:Tên và địa chỉ của nhà đầu tư;Ưu đãi đầu tư theo quy định tại văn bản pháp luật trước thời điểm văn bản pháp luật mới có hiệu lực gồm: Loại ưu đãi, điều kiện hưởng ưu đãi, mức ưu đãi (nếu có);Nội dung văn bản pháp luật mới có quy định làm thay đổi ưu đãi đầu tư; Đề xuất của nhà đầu tư về áp dụng biện pháp bảo đảm ưu đãi đầu tư quy định tại Khoản 4 Điều 13 Luật Đầu tư.
Trên đây là một số lưu ý khi áp dụng quy định của pháp luật đầu tư về bảo đảm đầu tư kinh doanh trong trường hợp thay đổi pháp luật, tác giả xin được giới thiệu để việc áp dụng pháp luật về đầu tư bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư./.
Tác giả bài viết: Trần Thị Túy