Góp ý dự thảo Thông tư hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác nuôi con nuôi và cấp, gia hạn, sửa đổi giấy phép hoạt động của tổ chức con nuôi nước ngoài tại Việt Nam

Thứ tư - 06/10/2021 17:37 81 0
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Văn bản số 5702/UBND-TH ngày 12/12/2016 và theo đề nghị của Sở Tài chính tại Văn bản số 4542/STC-QLNS ngày 14/12/2016 về việc góp ý dự thảo Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính. Ngày 19/12/2016, Giám đốc Sở Tư pháp tổ chức cuộc họp trong nội bộ Sở Tư pháp để lấy ý kiến đối với dự thảo Thông tư hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác nuôi con nuôi và cấp, gia hạn, sửa đổi giấy phép hoạt động của tổ chức con nuôi nước ngoài tại Việt Nam (sau đây viết tắt là dự thảo Thông tư). Các thành viên tham dự cuộc họp chủ yếu tập trung vào các nội dung sau:

Thứ nhất, về sự cần thiết ban hành Thông tư. Đa số ý kiến thống nhất về sự cần thiết ban hành Thông tư. Bởi vì, theo quy định tại Khoản 1, Điều 11 Nghị định số 114/2016/NĐ-CP ngày 08/7/2016 của Chính phủ quy định lệ phí đăng ký nuôi con nuôi, lệ phí cấp giấy phép hoạt động của tổ chức nuôi con nuôi nước ngoài thì Chính phủ giao Bộ Tài chính hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác nuôi con nuôi và cấp, gia hạn, sửa đổi giấy phép hoạt động của tổ chức con nuôi nước ngoài tại Việt Nam.

Thứ hai, đối với mức chi quy định tại Điều 4 dự thảo Thông tư. Đa số ý kiến thống nhất là vướng mắc lớn nhất hiện nay của địa phương trong công tác lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác nuôi con nuôi và cấp, gia hạn, sửa đổi giấy phép hoạt động của tổ chức con nuôi nước ngoài tại Việt Nam là chưa có quy định mức chi cụ thể. Tuy nhiên, dự thảo Thông tư không quy định các mức chi cụ thể, mà chỉ quy định mang tính chung nhất. Điều 4 dự thảo Thông tư quy định “1. Các nội dung chi phục vụ công tác nuôi con nuôi thực hiện theo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức, chỉ tiêu theo quy định của pháp luật hiện hành; Thông tư này quy định mức chi đặc thù tại Khoản 1 Điều 3 Thông tư này như sau:Lấy ý kiến chuyên gia tâm lý, y tế, gia đình, xã hội để đánh giá toàn diện về điều kiện của người nhận con nuôi và của người được giới thiệu làm con nuôi theo quy định: 500.000 đồng/văn bản đánh giá; 2. Một số mức chi chưa có quy định nhưng cần thiết để phục vụ trực tiếp công việc thì Thủ trưởng cơ quan, đơn vị được vận dụng các mức chi tương ứng với các công việc tương tự đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị”.

Quy định tại Điều 4 dự thảo Thông tư như trên quy định “cần thiết để phục vụ trực tiếp công việc”, “được vận dụng các mức chi tương ứng với các công việc tương tự” là chưa làm rõ như thế nào là cần thiết, chưa giải thích rõ công việc tương tự là như thế nào. Cách quy định này có thể dẫn đến hệ quả là mỗi người hiểu mỗi cách khác nhau. Trong khi đó, nguyên tắc cơ bản của hoạt động kế toán là việc thu chi phải có cơ sở pháp lý cụ thể, chi tiết. Do đó, các tổ chức, cá nhân liên quan không thể chi các khoản chi này trên thực tế.  

Vì vậy, đa số ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo xây dựng lại Điều 4 dự thảo Thông tư theo hướng quy định cụ thể từng mức chi để các cá nhân, tổ chức liên quan tổ chức thực hiện thống nhất và phù hợp với nguyên tắc kế toán./.

Tác giả bài viết: N.T.L

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây