Làm rõ thêm đối với một số quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP

Thứ tư - 06/10/2021 17:37 454 0
Ngày 22/6/2015, Quốc hội thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sau đây viết tắt là Luật năm 2015). Luật năm 2015 này thay thế cho hai Luật là: Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 03/6/2008 và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân ngày 03/12/2004. Ngày 14/5/2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 34/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sau đây viết tắt là Nghị định số 34). Luật năm 2015 và Nghị định số 34 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2016.

Trong quá trình triển khai thi hành, Luật năm 2015 và Nghị định số 34 đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập và một số bộ, ngành và địa phương đã phản ánh các vướng mắc, bất cập đó đến Bộ Tư pháp. Nhằm mục đích giải thích rõ thêm đối với các vướng mắc của một số bộ, ngành và địa phương đối với một số quy định của Luật năm 2015 và Nghị định số 34, ngày 28/11/2016, Bộ Tư pháp ban hành Văn bản số 4218/BTP-VĐCXDPL về việc trả lời một số quy định của Luật năm 2015 và Nghị định số 34. Theo Văn bản này, Bộ Tư pháp đã trả lời một số nội dung gồm: (i) Về việc xác định văn bản quy phạm pháp luật của cấp huyện, cấp xã; (ii) Về việc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật; (iii) Về thời điểm có hiệu lực đối với nghị quyết của HĐND các cấp; (iv) Việc hạn chế quy định thủ tục hành chính trong văn bản quy phạm pháp luật; (v) Hình thức văn bản chấp thuận đề nghị xây dựng nghị quyết của HĐND cấp tỉnh, quyết định của UBND cấp tỉnh; (vi) Vai trò của cán bộ tư pháp - hộ tịch trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền cấp xã; (vii) Ban hành văn bản quy định chi tiết; (viii) Số, ký hiệu của văn bản quy phạm pháp luật; (ix) Quy trình lập đề nghị xây dựng nghị quyết của HĐND cấp tỉnh. Trong số đó, nổi bật lên các nội dung sau đây:

1. Về việc xác định văn bản quy phạm pháp luật của cấp huyện, cấp xã

Điều 30 của Luật năm 2015 quy định: “Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã ban hành nghị quyết, Uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã ban hành quyết định để quy định những vấn đề được luật giao”. Như vậy, kể từ ngày Luật năm 2015 có hiệu lực (ngày 01/7/2016), HĐND, UBND cấp huyện, cấp xã chỉ được ban hành văn bản quy phạm pháp luật khi được giao trong luật, không phải trong các loại văn bản khác. Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật của cấp huyện, cấp xã được ban hành trước ngày Luật năm 2015 có hiệu lực để cụ thể hoá các quy định của văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên như: nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư của các bộ thì tiếp tục có hiệu lực thi hành cho đến khi có văn bản thay thế hoặc bãi bỏ.

2. Về việc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật

Khoản 1,Điều 12 Luật năm 2015 quy định: “Văn bản quy phạm pháp luật chỉ được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ bằng văn bản quy phạm pháp luật của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó hoặc bị đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ bằng văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên có thẩm quyền”.

Như vậy, để bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật mà mình đã ban hành, HĐND, UBND có thể sử dụng các cách thức sau đây:

Cách thứ nhất,HĐND, UBND ban hành văn bản quy phạm pháp luật để bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật mà mình đã ban hành. Cách thức này phù hợp với thẩm quyền ban hành văn bản của HĐND, UBND các cấp, kể cả đối với trường hợp HĐND, UBND cấp huyện, cấp xã ban hành văn bản quy phạm pháp luật để bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật mà mình đã ban hành vì tại khoản 1 Điều 12 của Luật năm 2015 đã giao thẩm quyền ban hành văn bản cho các cơ quan này.

Cách thứ hai, HĐND cấp xã đề nghị HĐND cấp huyện, HĐND cấp huyện đề nghị HĐND cấp tỉnh, UBND cấp dướiđề nghị UBND cấp trên trực tiếp ban hành văn bản hành chính để bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật mà mình đã ban hành. Cách thức này cũng phù hợp với Luật năm 2015 và khoản 1 Điều 19 của Luật tổ chức chính quyền địa phương.

Đối với chỉ thị là văn bản quy phạm pháp luật của UBND các cấp đã được ban hành trước ngày Luật năm 2015 có hiệu lực: Khoản 2 Điều 172 của Luật năm 2015 quy định: “… chỉ thị của Uỷ ban nhân dân các cấp là văn bản quy phạm pháp luật được ban hành trước ngày Luật này có hiệu lực thì tiếp tục có hiệu lực cho đến khi có văn bản bãi bỏ hoặc bị thay thế bằng văn bản quy phạm pháp luật khác”.Do vậy, UBND các cấp có thể ban hành quyết định hành chính để bãi bỏ chỉ thị là văn bản quy phạm pháp luật mà mình đã ban hành. 

3. Về thời điểm có hiệu lực đối với nghị quyết của HĐND các cấp

Theo quy định tại khoản 1 Điều 151 của Luật năm 2015 thì thời điểm có hiệu lực của toàn bộ hoặc một phần văn bản quy phạm pháp luật được quy định tại văn bản đó nhưng không sớm hơn 10 ngày kể từ ngày ký ban hành đối với văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND cấp tỉnh; không sớm hơn 07 ngày kể từ ngày ký ban hành đối với văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND cấp huyện và cấp xã.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 126, khoản 3 Điều 137 và khoản 4 Điều 143 của Luật năm 2015 thì sau khi HĐND biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết, Chủ tịch HĐND sẽ ký chứng thực nghị quyết. Như vậy, thời điểm có hiệu lực của toàn bộ hoặc một phần nghị quyết của HĐND các cấp được quy định tại nghị quyết đó. Mốc thời điểm tính để bảo đảm quy định không sớm 10 ngày đối với nghị quyết của HĐND cấp tỉnh; không sớm hơn 07 ngày đối với nghị quyết của HĐND và cấp xã được tính kể từ ngày Chủ tịch HĐND ký chứng thực nghị quyết.

4. Đối với việc sử dụng số chung cho cả văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hành chính cá biệt của chính quyền cấp xã

Về nguyên tắc, việc đánh số văn bản quy phạm pháp luật của cấp xã phải tuân thủ đúng quy định của Luật năm 2015 và Nghị định số 34. Theo đó, khoản 2 Điều 58 của Nghị định số 34 quy định: “Số của văn bản được ghi bằng chữ số Ả Rập, gồm số thứ tự đăng ký được đánh theo từng loại văn bản do cơ quan ban hành trong một năm và năm ban hành văn bản đó; bắt đầu liên tiếp từ số 01 vào ngày 01 tháng 01 và kết thúc vào ngày 31 tháng 12 hằng năm; năm ban hành phải ghi đầy đủ các số”.

Căn cứ quy định nêu trên, văn bản quy phạm pháp luật phải được đánh số liên tiếp bắt đầu từ số 01 vào ngày 01 tháng 01 và kết thúc vào ngày 31 tháng 12 hằng năm. Do vậy, việc sử dụng số chung cho cả văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hành chính cá biệt là không phù hợp./.

Tác giả bài viết: Thành Luân

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây