Tây Sơn: Phát hiện trên 100 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng

Thứ tư - 06/10/2021 17:37 166 0
Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Luật xử lý vi phạm hành chính và Nghị định 157/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản; các Văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về công tác quản lý bảo vệ rừng... Tây Sơn đã phát hiện được 111 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; thu nộp ngân sách 328,5 triệu đồng.

Nhằm đánh giá tình hình, kết quả thi hành Luật và một số chính sách về quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh, ngày 13/10/2016 Đoàn giám sát của Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Định đã làm việc với UBND huyện Tây Sơn, theo đó Đoàn giám sát sẽ tập trung giám sát, khảo sát tình hình phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác vận chuyển lâm sản trái phép; kết quả giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu rừng; công tác bảo vệ rừng, phát triển rừng và chính sách hỗ trợ đất sản xuất; những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện; đề xuất, kiến nghị các giải pháp thực hiện tốt trong thời gian tới.

Theo báo cáo về tình hình, kết quả triển khai thi hành Luật và một số chính sách về quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn, Tây Sơn là huyện trung du nằm ở phía Tây tỉnh Bình Định, hiện có 69.219,52 hecta diện tích đất tự nhiên, trong đó 40.288,46 hecta đất lâm nghiệp và 28.931,06 hecta đất ngoài lâm nghiệp. Sau hơn 3 năm (từ năm 2013 đến tháng 9/2016) triển khai thực hiện Luật xử lý vi phạm hành chính và Nghị định 157/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013 của về quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản; các Văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về công tác quản lý bảo vệ rừng... Tây Sơn đã phát hiện được 111 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; thu nộp ngân sách 328,5 triệu đồng.

Cũng theo báo cáo của UBND huyện Tây Sơn, nguyên nhân các vụ phá rừng trái pháp luật xảy ra nhiều trong thời gian qua là do người dân sinh sống ở vùng giáp ranh của huyện Tây Sơn (người dân của xã An Cửu, xã Song An thuộc thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai), do đó việ điều tra, xác định đối tượng vi phạm để xử lý gặp rất nhiều khó khăn; còn các đối tượng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp tại xã Bình Tân, chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số, nên khi tiếp cận người dân cho rằng do đời sống kinh tế khó khăn, thiếu đất sản xuất...; chính quyền một số địa phương chỉ đạo thiếu quyết liệt; lực lượng bảo vệ rừng quá ít, trong khi diện tích rừng lớn, địa hình phức tạp, ranh giới với nhiều huyện...

Ông Phạm Hồng Sơn- Trưởng Ban Pháp chế HĐNH tỉnh, cho rằng: Trong thời gian tới địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức về các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng; quy hoạch quản lý, xây dựng đất lâm nghiệp, xây dựng và thực hiện tốt các phương án bảo vệ rừng theo giai đoạn và theo từng năm; phát huy vai trò, lợi thế chức năng của từng loại rừng, góp phần phát triển kinh tế- xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái; với quan điểm bảo vệ rừng là trách nhiệm của toàn dân, của các cấp, các ngành, kiểm lâm là lực lượng nòng cốt, xóa bỏ triệt để các “điểm nóng” về khai thác, mua bán, kinh doanh lâm sản và săn bắt động vật rừng trái phép; vận động nhân dân, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức,thành viên các hội đoàn thể tham gia bảo vệ rừng, tiến tới chấm dứt tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất nông nghiệp... như hiện nay./.

Tác giả bài viết: Trần Thị Túy

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây