Góp ý dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý (Sửa đổi)

Thứ tư - 06/10/2021 17:37 133 0
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc lấy ý kiến góp ý các dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, ngày 13/10/2016 Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định tổ chức Hội nghị góp ý đối với dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý (Sửa đổi). Hội nghị do đồng chí Lý Tiết Hạnh – Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì, cùng với sự tham dự của đại diện các sở, ban, ngành Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh và một số chuyên gia pháp lý.

Khai mạc Hội nghị, đồng chí Lý Tiết Hạnh nêu sự cần thiết ban hành Luật Trợ giúp pháp lý (Sửa đổi), theo đồng chí Luật Trợ giúp pháp lý Quốc hội khóa XI thông qua Luật TGPL ngày 29/6/2006, trong 09năm triển khai thi hành, Luật đã góp phần quan trọng trong việc phát triển công tác trợ giúp pháp lý cho các đối tượng chính sách, người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn, nâng cao nhận thức của người dân về pháp luật khi tham gia vào các quan hệ xã hội và bảo vệ quyền lợi ích chính đáng của các đối tượng. Tuy nhiên, với yêu cầu về tăng cường cải cách pháp luật, cải cách tư pháp thì cần phải sửa đổi Luật Trợ giúp pháp lý để phù hợp với tình hình mới, đặc biệt cần phải có những sửa đổi, bổ sung để giải quyết những hạn chế hiện nay về quy định người được trợ giúp pháp lý, chất lượng trợ giúp pháp lý, chất lượng đội ngũ người thực hiện trợ giúp và những hạn chế về bộ máy trợ giúp pháp lý. Do vậy, cùng với cùng với việc triển khai thực hiện Đề án đổi mới công tác TGPL giai đoạn 2015 - 2025 thì việc ban hành Luật Trợ giúp pháp lý sửa đổi để khắc phục những hạn chế nêu trên là cần thiết.

Tại Hội nghị nhiều đại biểu quan tâm đến quy định về người được trợ giúp pháp lý, theo các đại biểu so với Luật Trợ giúp pháp lý hiện hành,dự thảo Luật quy định người được trợ giúp pháp lý theo hướng hạn chế hơn, chủ yếu tập trung vào những đối tượng bị buộc tội, điều này là không phù hợp với thực tiễn trợ giúp pháp lý là đối tượng này không nhiều và không phù hợp với chủ trương chung là tăng cường nâng cao nhận thức pháp luật cho nhân dân bằng hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật và tư vấn pháp luật. Do vậy, một số đại biểu đề nghị quy định về người được trợ giúp pháp lý nên giữ nguyên như quy định hiện hành.

Đối với quy định về đăng ký tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý; điều kiện ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý; thu hồi thẻ trợ giúp viên pháp lý và giải quyết khiếu nại, tố cáo… đại biểu cho rằng dự thảo Luật quy định chưa phù hợp với pháp luật liên quan, do vậy, cơ quan soạn thảo nên rà soát, đối chiếu lại nội dung của Dự thảo với pháp luật về doanh nghiệp, luật sư, xử lý vi phạm hành chính, pháp luật về tố tụng và khiếu nại, tố cáo… để quy định cho thống nhất. Tại Hội nghị các đại biểu cũng góp ý cho từng điều khoản cụ thể như các hành vi bị nghiêm cấm; chấm dứt thực hiện trợ giúp pháp lý; người thực hiện trợ giúp pháp lý; quyền và nghĩa vụ của người thực hiện trợ giúp pháp lý…trong đó, các đại biểu cho rằng cơ quan soạn thảo nên rà soát lại và quy định theo hướng giảm bớt các thủ tục hành chính khi đối tượng yêu cầu trợ giúp pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho họ.

Kết luận Hội nghị, đồng chí Lý Tiết Hạnh ghi nhận và cám ơn các đại biểu đã dành thời gian nghiên cứu nghiêm túc và có ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật, Đoàn sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến góp ý của các đại biểu./.

Tác giả bài viết: Trần Thị Túy

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây