Chính phủ tăng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất, phân bón và vật liệu nổ công nghiệp

Thứ tư - 06/10/2021 17:37 108 0
Ngày 12 tháng 11 năm 2013 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 163/2013/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất, phân bón và vật liệu nổ công nghiệp. Qua hơn 02 năm triển khai thực hiện, Nghị định đã giúp các cơ quan chức năng kịp thời xử lý, ngăn chặn các hành vi vi phạm hành chính, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực hóa chất, phân bón và vật liệu nỗ. Tuy nhiên, quá trình thực thi cho thấy một số quy định của Nghị định chưa phù hợp với thực tiễn, do vậy đặt ra yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung để đảm bảo tính khả thi.

Chính vì vậy, theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công thương và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ngày 08 tháng 7 năm 2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 115/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163 với một số nội dung cơ bản như sau:

Hình thức xử phạt

Nghị định quy định rõ hơn các hình thức xử phạt bổ sung ngoài hình thức xử phạt chính là cảnh cáo và phạt tiền, cụ thể:

- Tước quyền sử dụng có thời hạn đối với Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất thuộc Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh; tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đăng ký lĩnh vực hoạt động hoặc quyết định chỉ định tổ chức chứng nhận hợp quy, thử nghiệm phân bón; Giấy phép sản xuất hóa chất Bảng; Giấy phép sản xuất phân bón; Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; Giấy chứng nhận hoạt động vật liệu nổ công nghiệp;

- Đình chỉ có thời hạn hoạt động sản xuất, kinh doanh, cất giữ hóa chất nguy hiểm, hoạt động của cơ sở hóa chất Bảng, hóa chất DOC, DOC-PSF, hoạt động sản xuất phân bón, hoạt động vật liệu nổ công nghiệp;

- Hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm quy định tại Nghị định nay là hình thức xử phạt bổ sung chỉ được áp dụng đối với loại tang vật phương tiện vi phạm hành chính quy định tại Điều 26 Luật xử lý vi phạm hành chính và khoản 2 Điều 3 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính.

Bổ sung thêm một số hành vi vi phạm

Nghị định mới bổ sung xử phạt vi phạm hành chính đối với một số hành vi như: sử dụng các đối tượng là Giám đốc hoặc Phó Giám đốc kỹ thuật hoặc cán bộkỹ thuật phụ trách hoạt động sản xuất hóa chất của cơ sở sản xuất hóa chất không đáp ứng yêu cầu về chuyên môn trong sản xuất hóa chất theo quy định; hành vi vi phạm quy định về Phiếu an toàn hóa chất; với hành vi không thực hiện phân loại hóa chất trước khi đưa hóa chất vào sử dụng, lưu thông trên thị trường theo quy định của pháp luật về ghi nhãn và phân loại hóa chất; hành vi sử dụng các đối tượng không được huấn luyện kỹ thuật an toàn hóa chất trong cơ sở sản xuất hóa chất; sử dụng các đối tượng tham gia vận chuyển hàng công nghiệp nguy hiểm là hóa chất nguy hiểm dùng trong sản xuất công nghiệp mà không được huấn luyện kỹ thuật an toàn trong vận chuyển hàng công nghiệp nguy hiểm theo quy định; hành vi vi phạm quy định về đóng gói hàng công nghiệp nguy hiểm dùng trong sản xuất công nghiệp để vận chuyển; hành vi không có thỏa thuận hoặc hợp đồng với phòng thử nghiệm được cơ quan có thẩm quyền chỉ định để đánh giá chất lượng phân bón hoặc có thỏa thuận hoặc hợp đồng nhưng không thực hiện thử nghiệm đánh giá chất lượng phân bón trước khi đưa phân bón ra kinh doanh; hành vi vi phạm quy định về Giấy phép sản xuất, gia công phân bón…

Tăng mức xử phạt đối với một số hành vi vi phạm

- Đối với hành vi không thực hiện đúng quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế tăng mức phạt lên 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng;

- Áp dụng mức phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đối với các hành vi: hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành tại Việt Nam và hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế trong Danh mục hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế cấm sử dụng tại Việt Nam (trước đây mức phạt đối với các hành vi này lần lượt là từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 và từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng).

- Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng người không có trình độ chuyên môn một trong các chuyên ngành như lý, hóa, sinh học, nông nghiệp để sản xuất phân bón.

Ngoài ra, Nghị định còn sửa đổi, bổ sung một số thẩm quyền xử phạt của một số chức danh để đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất, phân bón và vật liệu nổ công nghiệp.

Nghị định sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 9 năm 2016./.

Tác giả bài viết: Trần Thị Túy

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây