Quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư

Thứ tư - 06/10/2021 17:37 182 0
Ngày 01 tháng 6 năm 2016 Chính phủ ban hành Nghị định số 50/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, thay thế Nghị định số 155/2013/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ. Theo đó, Nghị định đã sửa đổi, bổ sung và thay thế một số quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức phạt, thẩm quyền xử phạt.

Trong lĩnh vực quản lý và sử dụng vốn đầu tư công:Nghị định bổ sung quy định hành vi vi phạm các quy định về Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Trong đó mức xử phạt cao nhất là đến 15.000.000 đồng đối với hành vi lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thikhông có trong quy hoạch hoặc chưa được cấp có thẩm quyền bổ sung quy hoạchvà lập không đúng theo quy hoạch được phê duyệt; bổ sung quy định vềvi phạm việc báo cáo, cung cấp thông tin trong hoạt động đầu tư công, trong đó mức xử phạt cao nhất là đến 20.000.000 đồng đối với hành vi cố ý hủy hoại, lừa dối, che giấu hoặc lưu giữ không đầy đủ tài liệu, chứng từ, hồ sơ liên quan đến quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, triển khai thực hiện chương trình, dự án.

Trong lĩnh vực hoạt động đầu tư tại Việt Nam và hoạt động đầu tư ra nước ngoài:Đối với vi phạm quy định về hoạt động đầu tư tại Việt Nam, Nghị định bổ sung hành vi đầu tư kinh doanh các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nhưng không đáp ứng các điều kiện theo quy định của Luật đầu tư; thành lập Văn phòng điều hành của nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng hợp tác kinh doanh (hợp đồng BCC) nhưng không đăng ký với cơ quan đăng ký đầu tư nơi đặt Văn phòng điều hành; chấm dứt hoạt động Văn phòng điều hành của nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng BCC nhưng không thông báo cho cơ quan đăng ký đầu tư nơi đặt Văn phòng điều hành.Mức xử phạt cao nhất đối với một trong các hành vi này là đến 10.000.000 đồng. Đối với vi phạm quy định về hoạt động đầu tư ra nước ngoài, Nghị định bổ sung thêm các hành vi không thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài trong trường hợp thay đổi nội dung dự án đầu tư ra nước ngoài; không thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong trường hợp sử dụng lợi nhuận thu được từ hoạt động đầu tư ở nước ngoài để tăng vốn, mở rộng hoạt động đầu tư ở nước ngoài. Nghị định cũng bổ sung một loạt các hành vi vi phạm quy định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), ví dụ như không điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thitheo quy định; không quyết định chủ trương sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án trước khi phê duyệt đề xuất dự án; không xác định giá trị vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án trước khi phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc đề xuất dự án của các dự án sử dụng vốn Nhà nước (đối với dự án nhóm C).

Trong lĩnh vực quản lý đấu thầu:Nghị định đã sửa đổi, bổ sung một số hành vi cho phù hợp với pháp luật về đấu thầu như vi phạm các quy định về kế hoạch lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; vi phạm các quy định về hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; vi phạm các quy định về tổ chức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư và đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất; vi phạm quy định về thương thảo hợp đồng đối với lựa chọn nhà thầu và đàm phán sơ bộ hợp đồng đối với lựa chọn nhà đầu tư; vi phạm quy định về đăng tải thông tin trong đấu thầu.

Trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã:Nghị định quy định cụ thể hơn về thời hạn đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp như sau: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, Giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh quá thời hạn quy định từ 01 đến 30 ngày. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, Giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh quá thời hạn quy định từ 31 đến 90 ngày.Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, Giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh quá thời hạn quy định từ 91 ngày trở lên. Ngoài ra Nghị định cũng bổ sung quy định về vi phạm công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước; vi phạm quy định về doanh nghiệp tư nhân; vi phạm quy định đối với doanh nghiệp được tổ chức theo mô hình công ty mẹ, công ty con; vi phạm quy định đối với doanh nghiệp xã hội…

Về thẩm quyền xử phạt:Nghị định tăng thẩm quyền xử phạt của Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đang thi hành công vụ có quyền xử phạt đến 1.000.000 đồng. Quy định cụ thể thẩm quyền xử phạt của cơ quan thuế, cơ quan Quản lý thị trường, đồng thời phân định thẩm quyền xử phạt của Thanh tra Kế hoạch và Đầu tư, Thuế và Quản lý thị trường.

Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 7 năm 2016. Các hành vi vi phạm xảy ra trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành và đã có quyết định hoặc kết quả xử lý vi phạm hành chính của cơ quan có thẩm quyềnthì áp dụng Nghị định số 155/2013/NĐ-CP để xử lý. Các hành vi vi phạm xảy ra trước ngày Nghị định này có hiệu lực mới bị phát hiện hoặc đang xem xét, giải quyết thì áp dụng các quy định về xử phạt tại Nghị định này nếu có lợi cho cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính.

Tác giả bài viết: Trần Thị Túy

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây