Một số khó khăn, vướng mắc trong áp dụng, thi hành Nghị định số 81/2013/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh

Thứ tư - 06/10/2021 17:37 398 0
Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và hướng dẫn thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính đã có hiệu lực thi hành từ ngày 19/7/2013. Trong gần 03 năm qua, Nghị định số 81/2013/NĐ-CP đã có những tác động tích cực đến công tác xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh, góp phần giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Tuy nhiên, qua kết quả sơ kết 03 năm thi hành Nghị định số 81/2013/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh cho thấy việc tổ chức triển khai thi hành Nghị định số 81/2013/NĐ-CP vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc, cụ thể:

Một là, Khoản 1, Điều 16 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP quy định: Việc lập hồ sơ áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với đối tượng thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Khoản 3, Khoản 5 Điều 90 Luật xử lý vi phạm hành chính khi đối tượng đã ít nhất hai lần bị xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi vi phạm đó trong 06 tháng”. Trên thực tế việc lập hồ sơ áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với đối tượng đã ít nhất hai lần xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 06 tháng là quá ngắn, khó có đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính 02 lần trong thời hạn 06 tháng để bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, trong khi đó việc tổ chức kiểm tra tại cộng đồng dân cư hiệu quả chưa cao. Điều đó cho thấy tính khả thi của quy định này là rất thấp. 

Hai là, trong Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 81/2013/NĐ-CP không quy định mẫu Quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, trong khi đó Điều 33 Nghị định số 166/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính chỉ quy định những nội dung chính của quyết định cưỡng chế, không quy định mẫu cụ thể của Quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả. Điều này dẫn đến nhiều lúng túng, khó khăn trong việc áp dụng, ban hành Quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả tại địa phương.

Ba là, một số mẫu văn bản ban hành kèm theo Nghị định số 81/2013/NĐ-CP không phù hợp với thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính quy định tại Thông tư số 01/2011/TT-BNV gây ra nhiều sự lúng túng cho các cơ quan, đơn vị, địa phương trong quá trình triển khai thực hiện. Cụ thể: Trong các mẫu Biên bản, Quyết định được ban hành kèm theo Nghị định số 81/2013/NĐ-CP có nội dung tên cơ quan ra quyết định, theo đó, trên tên của cơ quan ra quyết định là tên cơ quan chủ quản theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ. Trong phần chú thích lại có hướng dẫn “riêng đối với Ủy ban nhân dân cấp xã thì phải ghi rõ cấp tỉnh, cấp huyện; Ủy ban nhân dân cấp huyện thì phải ghi rõ cấp tỉnh để cung cấp thông tin cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu”. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì Ủy ban nhân dân cấp trên không phải là cơ quan chủ quản của Ủy ban nhân dân cấp dưới.  

Bốn là, Khoản 4 Điều 5 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP quy định: Văn bản giao quyền phải xác định rõ phạm vi, nội dung, thời hạn giao quyền; văn bản giao quyền phải đánh số, ghi rõ ngày, tháng, năm, ký và đóng dấu; trường hợp cơ quan, đơn vị của người giao quyền không được sử dụng dấu riêng, thì đóng dấu treo của cơ quan cấp trên. Phần căn cứ pháp lý ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cấp phó được giao quyền phải thể hiện rõ số, ngày, tháng, năm, trích yếu của văn bản giao quyền. Tuy nhiên, không có nội dung nào quy định trong thời gian cấp trưởng giao quyền cho cấp phó thì cấp trưởng có được thực hiện thẩm quyền của mình theo quy định hay không? Điều này cũng dẫn đến những khó khăn nhất định cho các chủ thể xử phạt, xử lý vi phạm hành chính khi thực hiện giao quyền xử phạt, xử lý vi phạm hành chính cho cấp phó.

Năm là, mẫu văn bản giao quyền trong Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 81/2013/NĐ-CP quy định Văn bản giao quyền có thể ban hành dưới nhiều hình thức như công văn, thông báo, quyết định… Điều này dẫn đến việc áp dụng không thống nhất giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh khi ban hành các văn bản giao quyền xử phạt vi phạm hành chính.

Sáu là, Khoản 3 Điều 6 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP quy định: Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị lập biên bản và ra quyết định xử phạt một lần. Trong thực tế xử phạt vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh, có trường hợp biên bản vi phạm hành chính đã được lập nhưng có sai sót, việc xử lý trong trường hợp này chưa được quy định, người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính có được phép sửa đổi, bổ sung biên bản đó hay không? Việc sửa đổi, bổ sung được thực hiện như thế nào?.

Thiết nghĩ, trong thời gian sắp tới Bộ Tư pháp cần thiết phải đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 81/2013/NĐ-CP để đảm bảo thực hiện thống nhất, đồng bộ ở các địa phương trong cả nước./.

Tác giả bài viết: G.H

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây