Một số nội dung cần hoàn thiện của dự thảo nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015

Thứ tư - 06/10/2021 17:37 104 0
Nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục, quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (gọi tắt là Luật 2015), ngày 22/02/2016, Sở Tư pháp đã tổ chức Hội thảo tham gia góp ý dự thảo Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật với thành phần là Lãnh đạo Sở Tư pháp, Lãnh đạo các phòng chuyên môn thuộc Sở Tư pháp và đại diện cán bộ, công chức làm công tác pháp chế của 14 sở, ngành trên địa bàn tỉnh.

Tham dự và phát biểu tại Hội thảo, đa số các đại biểu đều nhận định: Để thực hiện tốt công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời triển khai có hiệu quả các quy định của Luật năm 2015, Chính phủ cần phải quy định các biện pháp cụ thể để thực hiện các nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của Chính phủ như xác định rõ quy trình chính sách trong lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, thẩm định đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, phương pháp lấy ý kiến đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, quy trình một văn bản sửa nhiều văn bản quy phạm pháp luật, vai trò, trách nhiệm, nguyên tắc hoạt động của Ban soạn thảo, Tổ biên tập. …Với những lý do nêu trên, việc ban hành Nghị định quy định chi tiết các điều, khoản được giao trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và một số biện pháp thi hành Luật là cấp thiết.

Đối với các nội dung cần hoàn thiện, ngoài 3 vấn đề mà Ban soạn thảo xin ý kiến của Chính phủ như: cơ quan quản lý Công báo; Cơ quan chủ trì dịch văn bản ra tiếng nước ngoài đa số ý kiến nhất trí như dự thảo Nghị định là giao cho Bộ Tư pháp chủ trì, quản lý và phân cấp, giao Bộ Tài chính quy định nội dung chi và mức chi cụ thể về vấn đề bảo đảm kinh phí cho xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng tăng hợp lý mức chi phù hợp với mục tiêu và yêu cầu đổi mới của Luật năm 2015. Ngoài các nội dung nêu trên, đã có gần 20 ý kiến các đại biểu tham gia, góp ý cụ thể các vấn đề sau đây:

          1. Về thủ tục thẩm định đề nghị  xây dựng văn bản quy phạm pháp luật là Nghị quyết của Hội đồng nhân dân được quy định tại Mục 3, Chương II

          Nghị địnhcần quy định rõ trường hợp nào khi ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thì phải tiến hành thẩm định đề nghị, trường hợp nào không phải tiến hành thẩm định đề nghị mà chỉ cần thực hiện thủ tục thẩm định dự thảo Nghị quyết cho phù hợp theo yêu cầu, tính chất thực tế của việc ban hành Nghị quyết. Bởi vì, thực tế có những Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phải ban hành theo phân cấp của các chủ thể có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương thì không nhất thiết phải tiến hành thủ tục thẩm định đề nghị ban hành Nghị quyết. Do đó, đề nghị Nghị định cần quy định rõ chỉ thẩm định đề nghị ban hành Nghị quyết đối với những trường hợp phát sinh trong thực tế do nhu cầu thực hiện chức năng điều hành, quản lý nhà nước ở địa phương theo quy định nhưng chưa được giao, phân cấp cụ thể nhằm hạn chế trường hợp làm phát sinh thêm thủ tục hành chính không cần thiết, làm tăng chi phí trong quá trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

          2. Điều 16. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong việc thẩm định đề nghị

  Khoản 4 dự thảo quy định: “Sở Tài chính, Sở Nội vụ, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Văn phòng Ủy ban nhân dân có trách nhiệm cử đại diện cơ quan mình tham gia thẩm định đề nghị xây dựng luật, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh do Sở Tư pháp thẩm định.”, đa số các ý kiến đề nghị Ban soạn thảo nên xem xét lại vấn đề này. Vì quy định cứng thành phần như dự thảo sẽ rất khó thực hiện nếu văn bản có liên quan đến nhiều ngành, nhiều địa phương, lĩnh vực nên cần quy định mở rộng và linh hoạt hơn. Do đó, cần bổ sung nội dung: “và các cơ quan khác trong trường hợp cần thiết” để áp dụng trong trường hợp liên quan đến ngành nào cần phối hợp với ngành đó phải có trách nhiệm cử thành viên tham gia, tạo điều kiện cho việc thực hiện được thuận lợi, dễ dàng hơn. Cụ thể, sau khi bổ sung quy định này có nội dung như sau: “Sở Tài chính, Sở Nội vụ, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan khác trong trường hợp cần thiết có trách nhiệm cử đại diện cơ quan mình tham gia thẩm định đề nghị xây dựng nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh do Sở Tư pháp thẩm định”.

3. Điều 18. Hội đồng tư vấn thẩm định đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

Điều này, việc dự thảoquy định: Giám đốc Sở Tư pháp thành lập Hội đồng tư vấn thẩm định đề nghị xây dựng nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, đa số ý kiến không thống nhất như nội dung của dự thảo Nghị định. Bởi vì, dự thảo quy định Giám đốc Sở Tư pháp quyết định thành lập Hội đồng tư vấn với nhiều thành phần là đại diện các sở, ngành, đơn vị khác cùng cấp với Sở Tư pháp là không phù hợp về mặt thẩm quyền, chức năng quản lý hành chính về mặt tổ chức. Mặt khác, theo quy định thì Hội đồng thẩm định này có chức năng, trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thẩm định đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trước khi ban hành nên Giám đốc Sở Tư pháp có tư cách, trách nhiệm pháp lý như các thành viên khác của Hội đồng nên không thể quyết định việc thành lập Hội đồng. Trong trường hợp này, Sở Tư pháp là cơ quan thường trực tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ra Quyết định thành lập Hội đồng tư vấn là phù hợp hơn. Quy định này sẽ đảm bảo mối quan hệ điều hòa trong việc quản lý cũng như điều hành theo phân cấp về mặt thẩm quyền và phù hợp hơn với Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Để phù hợp về thẩm quyền, đề nghị chỉnh lý lại nội dung này như sau: Giám đốc Sở Tư pháp tham mưu, đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập Hội đồng tư vấn thẩm định đề nghị xây dựng nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

Ngoài ra, dự thảo còn quy định: “Hội đồng gồm Chủ tịch Hội đồng là lãnh đạo Sở Tư pháp, thành viên là đại diện Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, đại diện các cơ quan, tổ chức có liên quan đến nội dung của đề nghị..”, đa số ý kiến đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại vấn đề này vì quy định như vậy còn thiếu các thành phần tham gia Hội đồng không thể thiếu là: Đại diện Văn phòng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh. Theo Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 thì các cơ quan này là cơ quan chuyên môn giúp Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thực hiện các chức năng, thẩm quyền theo quy định của pháp luật trong đó có chức năng kiểm tra, giám sát việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp. Do đó, đề nghị bổ sung thành phần:“đại diện lãnh đạo Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh” là thành phần bắt buộc tham gia Hội đồng cho đầy đủ thành phần trong việc kiểm tra, giám sát các thể chế, chính sách của địa phương ngay từ khâu xây dựng chính sách.

4. Điều 19. Cuộc họp Hội đồng tư vấn thẩm định

Đa số ý kiến đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung quy định quyền và trách nhiệm của thành viên Hội đồng tư vấn. Cần quy định nguyên tắc và cơ chế hoạt động để nâng cao quyền và trách nhiệm của các thành viên Hội đồng tư vấn nhằm nâng cao chất lượng của công tác tư vấn, giúp cho Chủ tịch Hội đồng tư vấn kết luận vụ việc được khách quan, phù hợp với các văn bản pháp luật hiện hành, phù hợp với thực tế.

5. Điều21. Trình xem xét đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

Trình tự, thủ tục của công đoạn này, dự thảo quy định: “Trường hợp hồ sơ đề nghị xây dựng luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, nghị định không đáp ứng yêu cầu theo quy định tại khoản 2 Điều 40, khoản 2 Điều 89 của Luật; hồ sơ đề nghị xây dựng nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh không đáp ứng yêu cầu theo quy định tại Điều 114 của Luật, kèm theo báo cáo thẩm định của Sở Tư pháp thì Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trả lại hồ sơ, cơ quan lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật có trách nhiệm bổ sung hồ sơ trong thời hạn chậm nhất là 10 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị”. Đa số ý kiến tham gia đều nhất trí cho rằng quy định như dự thảo là chưa rõ nghĩa, thiếu hồ sơ thẩm định của Bộ Tư pháp. Vì vậy, đề nghị thiết kế lại nội dung này theo bố cục, cấu trúc như sau:

- Trường hợp hồ sơ đề nghị xây dựng luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ không đáp ứng yêu cầu theo quy định tại khoản 2 Điều 40, khoản 2 Điều 89 của Luật, kèm theo báo cáo thẩm định của Bộ Tư pháp thì Văn phòng Chính phủ trả lại hồ sơ, cơ quan lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật có trách nhiệm bổ sung hồ sơ trong thời hạn chậm nhất là 10 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị.

- Trường hợp hồ sơ đề nghị xây dựng nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh không đáp ứng yêu cầu theo quy định tại Điều 114 của Luật, kèm theo báo cáo thẩm định của Sở Tư pháp thì Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh trả lại hồ sơ, cơ quan lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật có trách nhiệm bổ sung hồ sơ trong thời hạn chậm nhất là 10 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị.

6.Điều 22. Thông qua đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

Khoản 1, đa số ý kiến nhất trí đề nghị Phương án I là: Chính phủ xem xét đề nghị xây dựng luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ vào phiên họp thường kỳ của tháng cuối cùng mỗi quý”. Đối với Khoản 2 thì Ủyban nhân dân cấp tỉnh xem xét thông qua đề nghị xây dựng nghị quyết của Hội đồng nhân dân vào các phiên họp thường kỳ của tháng cuối cùng mỗi quý hoặc chuyên đề là phù hợp hơn.

7. Điều 32. Trách nhiệm lập danh mục văn bản quy định chi tiết

Khoản 3 dự thảo quy định: Sở Tư pháp có trách nhiệm lập danh mục các văn bản quy định chi tiết luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch ở địa phương”, đa số ý kiến đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại vấn đề này vì quy định như dự thảo là không rõ nghĩa, còn thiếu hình thức văn bản như Nghị định Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư của Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ và Thông tư liên tịch. Trong trường hợp này, việc lập danh mục các văn bản quy định chi tiết theo phân cấp đối với các hình thức văn bản nêu trên ở địa phương thì cơ quan nào có trách nhiệm thực hiện. Do đó, nên bổ sung hình thức văn bản Quyết định của Chủ tịch nước, Nghị định của Chính phủ, Quyết định của thủ tướng Chính phủ và Thông tư, Thông tư liên tịch cho đầy đủ.

Ngoài ra, dự thảo quy định: Sở Tư pháp có trách nhiệm lập danh mục các văn bản quy định chi tiết”, đề nghị cần nhắc lại quy định này vì không đảm bảo tính khả thi. Lý do, Sở Tư pháp không thể bao quát, am hiểu chuyên môn hết toàn bộ hệ thống văn bản của các cơ quan trung ương trong hệ thống pháp luật quốc gia. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo nên quy định theo nguyên tắc, cơ chế phối hợp là: “Sở Tư pháp phối hợp với các sở, ngành chủ trì thực hiện…” có như vậy mới phù hợp với thực tế và bảo đảm tính khả thi hơn khi triển khai thực hiện.

8. Điều 33. Trách nhiệm xây dựng, theo dõi, đôn đốc việc xây dựng văn bản quy định chi tiết

Tại Điểm b, Khoản 3 dự thảo quy định: “Hằng quý báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Bộ Tư pháp về tình hình, tiến độ và những vấn đề phát sinh trong quá trình soạn thảo văn bản quy định chi tiết”, đa số ý kiến đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc lại thời điểm, tiến độ báo cáo. Bởi vì, nội dung theo dự thảo quy định tiến độ báo cáo là hàng quý sẽ không mang tính khả thi và không phù hợp với thực tiễn vì hiện nay theo quy định Hội đồng nhân dân tổ chức họp thường kỳ mỗi năm hai kỳ gồm  6 tháng đầu năm và cuối năm. Do đó, nên quy định thời điểm báo cáo theo tiến độ 6 tháng và báo cáo năm sẽ hợp lý hơn.

9. Điều 42. Xác định hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật

Khoản 3 dự thảo quy định: “Thời điểm có hiệu lực của nghị quyết của Hội đồng nhân dân được quy định tại nghị quyết đó nhưng không sớm hơn 10 ngày đối với nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, 7 ngày đối với nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã, kể từ ngày Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã thông qua nghị quyết”. Đề nghị bổ sung quy định việc xác định hiệu lực của Quyết định do Ủy ban nhân dân các cấp ban hành.

10. Điều 43. Phân biệt văn bản quy phạm pháp luật với văn bản hành chính

Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc về tiêu chí phân biệt văn bản quy phạm pháp luật với văn bản hành chính cho phù hợp với thực tế ban hành văn bản. Trong thực tế có những văn bản được ban hành dưới hình thức phê duyệt chương trình, giao chỉ tiêu nhưng nội dung lại đảm bảo tiêu chí của một văn bản quy phạm pháp luật. Điều này, gây rất nhiều khó khăn cho công tác xây dựng, soạn thảo, ban hành, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật nhất là ở địa phương. Đồng thời, đề nghị quy định rõ Nghị quyết lấy Phiếu tín nhiệm hàng năm của Hội đồng nhân dân các cấp có phải là hình thức văn bản quy phạm pháp luật hay không. Bởi vì, hiện nay Nghị quyết về kết quả lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu được ban hành bằng hình thức văn bản quy phạm pháp luật.

11.  Điều 55. Thành lập Hội đồng tư vấn thẩm định

Đa số ý kiến đề nghị Ban soạn thảo nên quy định quyền và trách nhiệm của thành viên Hội đồng tư vấn nhằm nâng cao chất lượng của công tác tư vấn, giúp cho Chủ tịch Hội đồng tư vấn kết luận vụ việc được khách quan, phù hợp với các văn bản pháp luật hiện hành, phù hợp với thực tế.

Ngoài ra, tại Khoản 3 dự thảo quy định: Hội đồng tư vấn thẩm định hoạt động theo nguyên tắc thảo luận tập thể và quyết định theo đa số. Hội đồng tư vấn thẩm định chấm dứt hoạt động và tự giải thể sau khi kết thúc cuộc họp của Hội đồng”, đề nghị Ban soạn thảo nên xem xét lại vấn đề này vì thực tiễn có thể xảy ra trường hợp có một vụ việc nhưng có nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau, có thể bằng nhau thì vấn đề này giải quyết như thế nào. Do đó, nên cân nhắc quy định lại vấn đề này để khi triển khai thực hiện được đồng bộ và hiệu quả.

          12. Điều 59. Tổ chức thẩm định dự thảo nghị quyết của Hội đồng nhân dân, quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện

Dự thảo quy định: “Tùy theo nội dung, tính chất của dự thảo nghị quyết của Hội đồng nhân dân, quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Trưởng phòng tư pháp có trách nhiệm tổ chức thẩm định. Đối với dự thảo có nội dung phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực thì trước khi tiến hành thẩm định, Phòng Tư pháp có thể tổ chức cuộc họp với đại diện các cơ quan, ban, ngành của cấp huyện, các chuyên gia, nhà khao học để thảo luận về các vấn đề chưa thống nhất”. Đa số ý kiến đề nghị Ban soạn thảo nên xem xét lại vấn đề này. Vì quy định như dự thảo không mang tính quy phạm bắt buộc mà mang tính quy phạm tùy nghi. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng thực hiện tùy nghi trong việc thẩm định văn bản trước khi ban hành. Do đó, cần phải đưa ra các tiêu chí cụ thể các trường hợp cần phải thẩm định văn bản quy phạm pháp luật ở cấp huyện để khi triển khai thực hiện được đồng bộ và thống nhất.

13.  Điều 64. Địa danh và ngày, tháng, năm ban hành văn bản

Khoản 1 dự thảo quy định: “Địa danh ghi trên văn bản là tên gọi chính thức của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, nơi cơ quan ban hành văn bản đóng trụ sở”. Đề nghị bổ sung  nội dung hướng dẫn, quy định về tên địa danh ghi trên các văn bản do cơ quan của cấp huyện, cấp xã ban hành vì các cơ quan này không thể ghi tên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

14. Điều 66. Căn cứ ban hành văn bản

Khoản 1 dự thảo quy định: “Căn cứ ban hành văn bản là văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn đang có hiệu lực hoặc đã được công bố/ký ban hành chưa có hiệu lực nhưng phải có hiệu lực trước hoặc cùng thời điểm với văn bản được ban hành”. Đa số ý kiến đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét lại vấn đề này không nên quy định cứng mà cần có một cơ chế linh động, tránh trường hợp khi thực hiện các cơ quan, đơn vị lúng túng khi xây dựng văn bản. Vì trong thực tiễn hiện nay có rất nhiều những văn bản không phải là văn bản quy phạm pháp luật như những chính sách, thể chế được quy định trong văn bản cá biệt, thậm chí là một kết luận của Thủ tướng hoặc Phó Thủ tướng Chính phủ nhưng vẫn được sử dụng để làm căn cứ pháp lý ban hành văn bản vì lý do chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định về vấn đề này. Do đó, cần quy định linh hoạt, mềm dẻo hơn để khi áp dụng được thống nhất và đồng bộ, không bị chồng chéo.

15. Về vấn đề niêm yết văn bản được quy định tại Mục 2, Chương V, (từ Điều 104 - Điều 109)

Việc quy định văn bản quy phạm pháp luật phải niêm yết công khai, đa số ý kiến đề nghị xem lại tính khả thi của việc niêm yết văn bản quy phạm pháp luật của  Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã và cấp huyện. Vì quy định niêm yết như trong dự thảo không mang tính khả thi cao. Trong thực tế, chưa có thống kê cụ thể số lượng văn bản quy phạm pháp luật do cấp huyện, cấp xã ban hành được niêm yết là bao nhiêu. Đồng thời, chưa thấy được tính hiệu quả của việc niêm yết như thế nào nhưng phải tốn kém chi phí cho việc thực hiện thủ tục niêm yết. Do đó, để đảm bảo tính minh bạch, công khai của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật do cấp huyện cấp xã ban hành, nên quy định những văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã và cấp huyện phải được đăng tải công khai trên Trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp huyện vì hiện nay, phần lớn Ủy ban nhân dân cấp huyện đều đã có Trang thông tin điện tử nên quy định hình thức công khai văn bản theo phương thực này là phù hợp hơn.

16. Điều 112. Nội dung kiểm tra văn bản

            Nội dung điều này các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo hoàn chỉnh 2 vấn đề:

Thứ nhất:  Điểm b,  Khoản 3 dự thảo quy định: “Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phải phù hợp với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết, nghị quyết liên tịch của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, nghị định, nghị quyết liên tịch của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ và thông tư, thông tư liên tịch của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ (sau đây gọi chung là văn bản của các cơ quan nhà nước Trung ương)”. Đề nghị xem lại hình thức văn bản vì hiện nay không có hình thức văn bản Thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ.

Thứ hai: Điểm đ, Khoản 3 dự thảo quy định: “Văn bản quy phạm pháp luật không quy định lại các nội dung đã được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật khác và bảo đảm thống nhất giữa văn bản hiện hành với văn bản mới được ban hành của cùng một cơ quan”. Đề nghị giải thích rõ thế nào là quy định lại và tỷ lệ quy định bao nhiêu % thì được xem là quy định lại. Nếu không quy định cụ thể nội dung này thì địa phương sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong công tác xây dựng pháp luật vì vi phạm quy định này.

17. Điều 119. Trách nhiệm tự kiểm tra văn bản   

Thống nhất theo Phương án I là“Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tự kiểm tra văn bản thuộc trách nhiệm tự kiểm tra của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến ngành lĩnh vực mình quản lý”.

18. Về nguồn nhân lực thực hiện công tác xây dựng ban hành văn bản quy phạm pháp luật được quy định tại Mục 1, Chương IX

          Đề nghị nên xây dựng theo hướng tiêu chuẩn hóa, chuyên môn hóa các chức danh này là một trong các chức danh tư pháp để nhằm thu hút và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong giai đoạn hiện nay.

19. Điều 193. Nội dung chi cho công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật

Điểm h, Khoản 1 dự thảo quy định: “Nội dung chi cho các hoạt động xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, bao gồm: h)Thẩm định, thẩm tra đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đề nghị và dự kiến chương trình, kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật;”, đề nghị bổ sung nội dung chi cho hoạt động: “thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật” (dự thảo chưa quy định nội dung chi cho hoạt động này)cho đầy đủ các hoạt động xây dựng, ban hành văn bản theo quy trình.

          Đồng thời, các đại biểu cũng đã tham gia, đóng góp nhiều ý kiến về cấu trúc, văn phong, ngôn ngữ và hình thức, kỹ thuật trình bày của dự thảo Nghị định với kỳ vọng Nghị định được ban hành là một văn bản quy phạm pháp luật hoàn chỉnh, góp phần vào việc nâng cao hiệu quả công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN và giai đoạn hội nhập quốc tế hiện nay./.

Tác giả bài viết: Lê Kim Chinh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây