Nội dung trao đổi: Hình thức văn bản bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật

Thứ tư - 06/10/2021 17:37 1.453 0
Trên cơ sở Luật của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ, Thông tư của các Bộ, ngành và các cơ chế, chính sách của Trung ương và địa phương, Ủy ban nhân dân các cấp đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để cụ thể hóa nhằm đảm bảo thực hiện thống nhất, đồng bộ các cơ chế, chính sách của Trung ương tại địa phương.

Tuy nhiên, theo sự phát triển của điều kiện kinh tế - xã hội thì các cơ chế, chính sách của Trung ương có sự thay đổi nên Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành đã ban hành các Luật, Nghị định, Thông tư thay thế, sửa đổi, bổ sung các Luật, Nghị định, Thông tư đang có hiệu lực thi hành. Do đó, các nội dung trong các văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân các cấp đã ban hành trước đó không còn phù hợp nên cần phải thay đổi cho phù hợp với quy định hiện hành. Vì vậy, Ủy ban nhân dân các cấp ban hành các văn bản để bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật đã được chính Ủy ban nhân dân ban hành trước đó là cần thiết. Và một vấn đề pháp lý đặt ra là hình thức văn bản bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân là gì. Về vấn đề này thì có hai quan điểm khác nhau.

Quan điểm thứ nhất cho rằng phải ban hành văn bản quy phạm pháp luật để bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân. Cơ sở của quan điểm này là Khoản 1, Điều 11 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004 “Văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân ban hành chỉ được sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ, bãi bỏ bằng văn bản của chính Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân đã ban hành văn bản đó hoặc bị đình chỉ việc thi hành, hủy bỏ, bãi bỏ bằng văn bản của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền”. Tuy nhiên, theo quan điểm của tác giả thì Khoản 1, Điều 11 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004 không đề cập đến hình thức văn bản bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân mà chỉ để cập đến cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản bãi bỏ. Hơn nữa, theo quy định tại Khoản 2, Điều 2 Nghị định số 91/2006/NĐ-CP ngày 06/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thì Nghị quyết bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và những văn bản tương tự khác để giải quyết những vụ việc cụ thể đối với những đối tượng cụ thể không phải là văn bản quy phạm pháp luật. Căn cứ theo Khoản 2, Điều 2 Nghị định số 91/2006/NĐ-CPvà xét về bản chất thì hình thức văn bản bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân tương tự với nghị quyết bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân nên hình thức văn bản bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân không phải là văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, theo tác giả thì quan điểm cho rằng phải ban hành văn bản quy phạm pháp luật để bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dânlà chưa hợp lý theo quy định pháp luật hiện hành.  

Quan điểm thứ hai cho rằng phải ban hành văn bản hành chính để bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân. Cơ sở của quan điểm này là Điểm c, Khoản 2, Điều 19 Nghị định số 16/2013/NĐ-CP ngày 06/02/2013 của Chính phủ về rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật “ Trường hợp ban hành văn bản chỉ có nội dung bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần văn bản được rà soát thì cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản hành chính để bãi bỏ. Văn bản bị bãi bỏ phải được đưa vào danh mục để công bố theo quy định tại Điều 20 Nghị định này”. Theo quan điểm của tác giả thì rà soát văn bản quy phạm pháp luật là việc xem xét, đối chiếu, đánh giá các quy định của văn bản được rà soát với văn bản là căn cứ pháp lý để rà soát cũng như tình hình phát triển kinh tế - xã hội nhằm phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý các quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp. Và bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật là một hình thức xử lý văn bản được rà soát theo quy định tại Điều 19 Nghị định số 16/2013/NĐ-CP ngày 06/02/2013 của Chính phủ. Do đó, theo quan điểm của tác giả thì Ủy ban nhân dân ban hành văn bản hành chính để bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật đã được chính Ủy ban nhân dân ban hành trước đó là hợp lý và phù hợp theo quy định pháp luật hiện hành.

Tác giả bài viết: Thành Luân

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây