Tham gia Hội thảo có hơn 20 đại biểu là đại diện cán bộ, công chức làm công tác pháp chế của 14 sở, ngành trên địa bàn tỉnh; Trưởng các phòng chuyên môn và chuyên viên pháp lý Sở Tư pháp.
Dự thảo Nghị định Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật có 10 chương và 201 điều và một số phụ lục, biểu mẫu về kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái pháp luật; rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật và thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật; báo cáo đánh giá tác động. Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành các điều khoản được giao trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 như: ngôn ngữ, kỹ thuật văn bản quy phạm pháp luật; dịch văn bản quy phạm pháp luật ra tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài; đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh; đăng công báo và niêm yết văn bản quy phạm pháp luật; kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm nguồn lực xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, Nghị định quy định một số biện pháp thực sự cần thiết thuộc thẩm quyền của Chính phủ để bảo đảm thi hành có hiệu quả Luật năm 2015 như trình tự tiến hành thẩm định đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; cách thức lấy ý kiến đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Ban soạn thảo, Tổ biên tập...
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung tham gia góp ý về các nội dung Chính phủ xin ý kiến. Trong đó,
Về cơ quan quản lý Công báo: Đa số ý kiến thống nhất đề nghị Chính phủ giao Bộ Tư pháp giúp Chính phủ thực hiện quản lý thống nhất Công báo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và cho phép quy định trong Nghị định về nhiệm vụ của các Sở Tư pháp trong việc quản lý công báo cấp tỉnh (hiện nay do Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý) nhằm đảm bảo sự thống nhất, kết nối và tránh lãng phí về nguồn lực khi cùng lúc tồn tại hai cơ sở dữ liệu điện tử về pháp luật là Công báo với Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật; trong điều kiện, Bộ Tư pháp đã được giao quản lý nhà nước đối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật theo Nghị định số 52/2015/NĐ-CP ngày 28/5/2015 của Chính phủ về Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật.
Về cơ quan chủ trì dịch văn bản ra tiếng nước ngoài: Đa số ý kiến thống nhất đề nghị nên giao cho Bộ Tư pháp, cơ quan có trình độ chuyên môn, chuyên ngành về văn bản quy phạm pháp luật và đội ngũ thực hiện dịch thuật là cơ quan chủ trì dịch văn bản pháp luật ra tiếng nước ngoài để đảm bảo tính chính xác của văn bản pháp luật sau khi dịch thuật qua tiếng nước ngoài.
Về bảo đảm kinh phí cho xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật: Đa số ý kiến thống nhất đề nghị Nghị định chỉ nên quy định các vấn đề chung như nguyên tắc chi, hoạt động được chi, mục chi lớn trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và giao cho Bộ Tài chính quy định mục chi cụ thể và mức chi cụ thể theo hướng tăng hợp lý, phù hợp với mục tiêu và yêu cầu đổi mới của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
Ngoài ra, các đại biểu còn tham gia góp ý nhiều nội dung trong dự thảo liên quan trực tiếp đến công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh trong thực tiễn như: Trình tự, thủ tục ban hành các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh do các Ban của Hội đồng nhân dân trình; thành phần, số lượng, cơ chế, nguyên tắc hoạt động của Hội đồng tư vấn thẩm định; kỹ thuật, phương pháp đánh giá tác động của văn bản quy phạm pháp luật; bổ sung quy định về chức danh, chế độ chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật tại địa phương; thể thức, kỹ thuật trình bày các điều, khoản, điểm trong dự thảo Nghị định, ….
Tác giả bài viết: N.C