Hội thảo góp ý nội dung dự thảo Luật Dân số

Thứ tư - 06/10/2021 17:37 113 0
Vừa qua, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tổ chức Hội thảo góp ý nội dung dự thảo Luật Dân số tại Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Bình Định.

Hội thảo do Ông Nguyễn Đình Bách – Vụ trưởng Vụ Pháp chế  - Thanh tra, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình chủ trì với sự tham gia của 29 đại biểu là đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các sở, ngành, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Tỉnh đoàn và các Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn tỉnh. Bình Định là một trong 04 tỉnh được lựa chọn tổ chức Hội thảo để lấy ý kiến của các cá nhân, cơ quan, tổ chức ở địa phương, những đối tượng trực tiếp chịu tác động và có trách nhiệm triển khai thi hành Luật Dân số.  

Hội thảo đã nghe Ông Nguyễn Đình Bách - Vụ trưởng Vụ Pháp chế  - Thanh tra, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Thành viên Ban soạn thảo Dự thảo Luật Dân số báo cáo quá trình soạn thảo, sự cần thiết xây dựng, nội dung cơ bản và những vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau của dự thảo Luật.

Hội thảo đã có 12 ý kiến tập trung về các vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau của dự thảo Luật, trong đó đa số ý kiến thống nhất với phương án chỉ quy định về quyền, nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc thực hiện cuộc vận động về dân số và kế hoạch hóa gia đình là quyết định tự nguyện, bình đẳng và có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội về thời gian sinh con, số con, khoảng cách giữa các lần sinh mà không quy định cụ thể trong Luật về số con của mỗi cặp vợ chồng là một hoặc hai con để đảm bảo quyền sinh con của công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và quy định của Công ước Quốc tế về quyền phụ nữ (CEDAW). Tuy nhiên, cũng có nhiều đại biểu lo ngại nếu không quy định cụ thể về số con của mỗi cặp vợ chồng là một hoặc hai con trong Luật Dân số thì với trình độ dân trí còn thấp, phong tục, tập quán “Miệng con, miệng của”, “Con đàn, cháu đống” của người dân ở những vùng nông thôn, miền núi, miền biển tình trạng tăng sinh có thể xảy ra và mức sinh thay thế không thể đảm bảo theo Chiến lược, quy hoạch phát triển dân số đã đề ra.

Về điều kiện phá thai, các đại biểu cũng đề nghị không nên quy định cụ thể về điều kiện phá thai theo tuổi thai mà nên quy định chung về điều kiện phá thai là được phép phá thai trừ trường hợp phá thai vì lý do lựa chọn giới tính thai nhi; phá thai gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe của người được phá thai nhằm đảm bảo quyền công dân và tránh tình trạng liệt kê, bỏ sót những trường hợp có thể phát sinh trong thực tiễn, bảo đảm tính khả thi và ổn định lâu dài đối với các quy định của Luật.

Đối với chính sách “Ngân sách Nhà nước hỗ trợ chi phí phụng dưỡng cho người cao tuổi chỉ có một hoặc hai con gái mà không có chế độ bảo hiểm xã hội”, đa số các đại biểu đề nghị không nên quy định chính sách này vì quy định chính sách như thế sẽ không đảm bảo vấn đề về bình đẳng giới theo quy định của pháp luật bình đẳng giới, đồng thời không ghi nhận hết trách nhiệm, nghĩa vụ chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ của người con gái trong gia đình theo quy định của Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 và thực tiễn đời sống xã hội. Bên cạnh đó, nếu quy định chính sách này trong Luật Dân số sẽ tạo nên một áp dụng lớn cho ngân sách Nhà nước trong việc thực hiện phụng dưỡng cho người cao tuổi chỉ có một hoặc hai con gái mà không có chế độ bảo hiểm xã hội.

Ngoài ra, các đại biểu còn tham gia đóng góp nhiều ý kiến về tính hợp lý, khả thi của các Điều khoản cụ thể khác trong Dự thảo Luật./.

Tác giả bài viết: Ngọc Chân

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây