Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc triển khai thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Thứ tư - 06/10/2021 17:37 85 0
Nhằm thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, ngày 19/11/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 28/CT-TTg triển khai thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ thịChủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm:

Một là, tổ chức thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trên phạm vi địa phương mình; tổ chức tốt việc quán triệt nội dung và tinh thần của Luật bằng các hình thức, biện pháp phù hợp cho cán bộ, công chức ở địa phương;

Hai là, trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là công tác xây dựng chính sách trong đề nghị xây dựng nghị quyết của Hội đồng nhân dân và chịu trách nhiệm về chất lượng, thời gian trình đề nghị, dự thảo văn bản thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh;

Ba là, chỉ đạo việc lập chuyên mục lấy ý kiến trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan mình để tiếp nhận ý kiến đóng góp của cơ quan, tổ chức, cá nhân về chính sách, trong đề nghị xây dựng nghị quyết của Hội đồng nhân dân và dự thảo văn bản thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh. Tổ chức lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học và các đối tượng chịu sự điều chỉnh trực tiếp của chính sách trong đề nghị xây dựng nghị quyết của Hội đồng nhân dân và dự thảo văn bản quy phạm pháp luật dưới các hình thức phù hợp, nhất là đối với đề nghị xây dựng nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và dự thảo văn bản quy phạm pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của công dân, doanh nghiệp;

Bốn là, kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật, theo hướng chuyên nghiệp; điều động, luân chuyển cán bộ, công chức có năng lực, trình độ để làm công tác xây dựng pháp luật, đảm bảo cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật có đủ về biên chế và năng lực, trình độ theo yêu cầu. Ít nhất mỗi năm một lần tổ chức bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, kỹ năng cần thiết cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật, pháp chế;

Năm là, bảo đảm đủ kinh phí cho hoạt động xây dựng chính sách trong đề nghị xây dựng nghị quyết của Hội đồng nhân dân do Ủy ban nhân dân trình, soạn thảo, thẩm định, thẩm tra dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương;

Sáu là, chỉ đạo rà soát các chỉ thị quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân các cấp đã ban hành để bãi bỏ, thay thế bằng các văn bản phù hợp; rà soát các quy định thủ tục hành chính đã được ban hành trong các văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp để có lộ trình bãi bỏ theo thẩm quyền hoặc đề nghị các cơ quan có thẩm quyền bãi bỏ phù hợp với quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật./.


Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 80/2015/QH13 được Quốc hội Khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 9 ngày 22/6/2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016, thay thế cho Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 17/2008/QH12 và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân số 31/2004/QH11. Với nhiều nội dung quy định mới, đạo Luật rất quan trọng này tạo khuôn khổ pháp lý cho việc khắc phục những bất cập, hạn chế trong công tác xây dựng pháp luật và nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tác giả bài viết: G.H

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây