Tuy nhiên, hệ thống chính sách pháp luật trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại chưa đồng bộ và sau thời gian áp dụng đã bộc lộ những bất cập. Cụ thể là Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã bộc lộ bất cập, mâu thuẫn với nhau trong việc quy định về số lượng tang vật vi phạm để làm cơ sở phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.
Theo quy định tại Điểm i và Điểm k, Khoản 1, Điều 25 về hành vi vi phạm về kinh doanh hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậuthì đối với hành vi kinh doanh hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu, mức phạt tiền như sau:
i) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 600 bao đến dưới 1.000 bao;
k) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng trong trường hợp hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 600 bao đến dưới 1.000 bao;”
Căn cứ vào quy định nêu trên, trong thực tiễn thi hành một số địa phương đã gặp lúng túng về cách thức xử phạt, mức xử phạt và thẩm quyền xử phạt vì không biết áp dụng xử phạt theo khoản nào, thẩm quyền là ai cho đảm bảo tính chính xác và tránh trường hợp vận dụng quy định của pháp luật một cách tùy nghi, theo cảm tính chủ quan của người xử lý vụ việc. Cụ thể như sau:
Thứ nhất: Cùng một trường hợp xảy ra hành vi vi phạm nhập lậu thuốc lá điếu có số lượng từ 600 bao đến dưới 1.000 bao như nhau nhưng Điểm i và Điểm k, Điều 25 của Nghị định lại quy định hai mức phạt khác nhau nên thẩm quyền xử phạt cũng khác nhau. Trong trường hợp này, nếu căn cứ theo quy định tại Điểm i để phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng thì mức trung bình khung để xử phạt là 45.000.000 đồng (không đề cập đến tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ). Tuy nhiên, cũng với số lượng như trên nhưng tại Điểm k lại quy định mức phạt tiền là từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng (mức trung bình khung để xử phạt là 55.000.000 đồng).
Như vậy, trường hợp này trong thực tiễn thi hành các đơn vị không biết nên áp dụng theo Điểm nào để làm cơ sở cho việc xác định thẩm quyền xử phạt. Bởi vì, căn cứ theo quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điểm b, Khoản 3 Điều 101, Điểm b, Khoản 3, Điều 102 và Điều 103 Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường và các chức danh khác theo quy định trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng khác nhau. Trường hợp này, nếu áp dụng theo Điểm i (mức phạt trung bình khung là 45.000.000 và mức phạt tối đa là 500.000.000đ) thì thẩm quyền xử phạt thuộc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường hoặc các chức danh có thẩm quyền khác theo quy định có quyền xử phạt trong lĩnh vực này nên người phát hiện hành vi vi phạm hành chính phải chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền để xử phạt hành chính. Cũng với số lượng vi phạm này nhưng áp theo quy định tại Điểm k để xử phạt (mức phạt trung bình khung là 55.000.000 đồng và mức phạt tối đa là 60.000.000 đồng) thì thẩm quyền xử phạt thuộc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nên người phát hiện hành vi vi phạm hành chính phải chuyển hồ sơ đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có hành vi vi phạm để xử phạt hành chính. Chính bất cập này gây ra hệ lụy là các đơn vị, địa phương lúng túng trong việc chuyển hồ sơ vụ việc phạm đến người có thẩm quyền nào để ra quyết định xử phạt. Vì vậy, một số trường hợp để kéo dài thời hạn xử lý vụ việc hoặc hết thời hạn xử lý theo quy định.
Thứ hai: Trong thực tiễn thi hành, nếu gặp trường hợp nêu trên, một số trường hợp áp dụng xử phạt ở mức tiền thấp hơn theo quy định tại Điểm i. Quan điểm của các đơn vị thì việc áp dụng mức xử phạt này là phù hợp theo nguyên tắc có lợi cho người vi phạm. Tuy nhiên, đa số ý kiến không đồng tình với nguyên tắc vận dụng và mức xử phạt này, bởi vì việc áp dụng nguyên tắc này không có căn cứ pháp lý, mang tính chủ quan của người đang thi hành công vụ và tham mưu, đề xuất hướng xử lý vụ việc. Chính vì việc áp dụng nguyên tắc xử lý có lợi cho người vi phạm nên dẫn đến cách vận dụng tùy tiện pháp luật, không đảm bảo tính răn đe trong việc đấu tranh phòng chống hàng giả, buôn lậu, gian lận thương mại và đặc biệt là tạo ra kẽ hở của pháp luật dẫn đến tình trạng tiêu cực trong công tác này. Bởi vì, trường hợp này áp dụng Điểm i hay Điểm k, Khoản 1, Điều 25 Nghị định 185/2013/NĐ-CP đều đúng quy định.
Từ thực tiễn công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, theo quan điểm của người viết thì Ban chỉ đạo 389, Bộ Công thương, Bộ Tư pháp sớm kiến nghị Chính phủ sửa đổi nội dung bất cập như đã nêu trên nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong giai đoạn hiện nay./.
Tác giả bài viết: Lê Kim Chinh