Đồng thời, đây cũng là một đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý rộng lớn trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tạo điều kiện để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi công dân đối với việc xây dựng, thi hành pháp luật. Vì vậy, cần phải xác định việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) là vô cùng cần thiết và rất quan trọng, phải xem việc đóng góp ý kiến đối với Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) là đợt sinh hoạt chính trị đặc biệt trong mỗi tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Việc tham gia đóng góp ý kiến đối với Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) vừa thể hiện được ý chí, nguyện vọng, phát huy trí tuệ của mỗi công dân, cũng như trách nhiệm của Nhân dân đối với đất nước.
Xuất phát từ nhận thức về tầm quan trọng đó, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền, các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh Bình Định đã nghiêm túc triển khai các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh bằng nhiều hình thức thích hợp như: Mở chuyên mục “Toàn dân tham gia góp ý dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi)” và tiến hành đăng tải toàn văn dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Bảng thuyết minh trên Cổng Thông tin Điện tử của Ủy ban nhân dân tỉnh, Trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp, Báo Bình Định và các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân 11 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh để Nhân dân tiếp thu, nghiên cứu và tham gia góp ý trực tiếp hoặc bằng văn bản gửi đến Sở Tư pháp để tổng hợp chung theo yêu cầu; Tổ chức thảo luận, góp ý tại các hội nghị, hội thảo, tọa đàm. Về đối tượng được lấy ý kiến là các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn; Các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp; tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức xã hội khác trên địa bàn tỉnh; Các doanh nghiệp và các Trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh; Các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình của tỉnh; Các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, luật sư, luật gia đang sống và làm việc trên địa bàn tỉnh và các tầnglớp Nhân dân, các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh.
Từ khi triển khai thực hiện đến ngày 14/9/2015 (Thời gian lấy ý kiến theo Kế hoạch của Thường trực Hội đồng nhân dân và Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh), các đơn vị đã tổ chức 41 Hội nghị tham gia góp ý dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Trong đó các cơ quan cấp tỉnh tổ chức 30 Hội nghị, Uỷ ban nhân dân cấp huyện tổ chức 11 Hội nghị. Ngoài ra, có 10 tham luận của đơn vị, cá nhân tham gia góp ý gửi Sở Tư pháp - Cơ quan thực hiện nhiệm vụ giúp Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và các ngành có liên quan tổ chức triển khai thực hiện việc lấy ý kiến của Nhân dân về dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) trên địa bàn tỉnh Bình Định để tổng hợp.
Kết quả tổng hợp, trên địa bàn của tỉnh đã có 85.975 người tham gia góp ý với tổng số lượt ý kiến tham gia là 1.087.031 lượt. Các ý kiến tập trung các nội dung: Góp ý đối với toàn bộ Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), gồm: Phần các quy định chung; Phần các tội phạm cụ thể; Kỹ thuật trình bày các quy định của Bộ luật hình sự. Trong đó, tập trung vào các vấn đề trọng tâm được xác định trong Phụ lục I kèm theo Kế hoạchlấy ý kiến Nhân dân, đó là: Vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân và loại tội pháp nhân chịu trách nhiệm hình sự; phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên và các biện pháp thay thế xử lý hình sự áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội; việc bỏ hình phạt tử hình ở một số tội; quy định không áp dụng hình phạt tử hình, không thi hành án tử hình trong một số trường hợp; quy định không giảm án đối với người bị kết án tử hình nhưng được ân giảm xuống tù chung thân; về chuyển đổi hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù có thời hạn; về hình phạt trục xuất; về việc thay thế tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng bằng những tội danh cụ thể trong các lĩnh vực kinh tế; việc bổ sung trường hợp xử lý hình sự đối với người trộm cắp tài sản có giá trị dưới 2 triệu đồng; về việc bãi bỏ một số tội phạm và bổ sung một số tội phạm mới....vànhững nội dung liên quan trực tiếp đến phạm vi, lĩnh vực hoạt động của cơ quan, đơn vị; những vấn đề liên quan trực tiếp đến đặc thù phát triển kinh tế - xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở xã, huyện, tỉnh và những vấn đề mà các tổ chức, cá nhân quan tâm có nội dung liên quan đến Bộ luật Hình sự.
Nhìn chung công tác triển khai thực hiện việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân tham gia góp ý dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) trên địa bàn tỉnh Bình Định đã được các cấp, các ngành quán triệt và thực hiện nghiêm túc, tạo điều kiện thuận lợi để toàn thể Nhân dân góp ý kiến vào Dự thảo. Đồng thời lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức, đơn vị thuộc cấp mình quản lý, bám sát các nghị quyết, kế hoạch của Trung ương và của tỉnh để tổ chức triển khai với các hình thức phù hợp với tình hình thực tế. Các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các đoàn thể đã tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quá trình lấy ý kiến; chỉ đạo tập hợp, xây dựng báo cáo kịp thời, chính xác ý kiến đóng góp của nhân dân. Về cơ bản, việc triển khai tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) trên địa bàn tỉnh Bình Định được tiến hành khẩn trương, nghiêm túc, đúng tiến độ, mục đích, ý nghĩa và các nội dung định hướng mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền của Trung ương đã hướng dẫn.Việc lấy ý kiến đã được tiến hành một cách khoa học với nhiều hình thức, phương pháp sáng tạo nên đã tập hợp được đại đa số quần chúng Nhân dân tham gia một cách dân chủ, thiết thực với tinh thần trách nhiệm cao. Các cá nhân, tổ chức đã tham gia góp ý trên tinh thần tích cực, xây dựng, mang tính phản biện cao, tập trung kịp thời, đầy đủ tâm huyết, trí tuệ của các tầng lớp Nhân dân để nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam trong quá trình hội nhập./.
Tác giả bài viết: Kim Lê