1. Về các hành vi bị cấm
Điều 13 dự thảo Luật quy định 15 hành vi bị cấm trong lĩnh vực kế toán, so với Luật Kế toán hiện hành thì Dự thảo lần này được đánh giá khá đầy đủ và cụ thể. Tuy nhiên, so với quy định hiện hành của hệ thống pháp luật thì vẫn chưa tổng hợp hết các hành vi bị cấm về kế toán, cụ thể là pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Tại Điều 4 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định Chính phủ có thẩm quyền quy định hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước. Theo đó, trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán đọc lập Chính phủ đã ban hành Nghị định số 105/2013/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm hành chính; hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền xử phạtvề vấn đề này. Sau khi đối chiếu quy định tại Điều 13 Dự thảo với Nghị định 105/2013/NĐ-CP cho thấy còn nhiều hành vi bị cấm khác mà Dự thảo chưa quy định hết, cụ thể như: hành vi ký chứng từ kế toán không đúng với quy định về vị trí chữ ký của các chức danh đối với từng loại chứng từ kế toán; sửa chữa chứng từ kế toán…Do vậy, để tạo thuận lợi cho các đối tượng áp dụng đặc biệt là các cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực kế toán không bỏ sót quy định của pháp luật về các hành vi bị cấm, cơ quan soạn thảo nên thực hiện việc rà soát, so sánh, đối chiếu với pháp luật về xử lý vi phạm hành chính để cụ thể hóa hơn nữa các hành vi cấm trong dự thảo Luật. Trường hợp cơ quan soạn thảo cho rằng không thể liệt kê chi tiết cụ thể từng hành vi thì có thể quy định theo nhóm hành vi như “vi phạm quy định về chứng từ kế toán” hoặc có thể giữ quy định “các hành vi khác về kế toán mà pháp luật cấm” như khoản 9 Điều 14 Luật Kế toán hiện hành.
2. Đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán
Thứ nhất, Điểm d, Khoản 4, Điều 59 quy định người có hành vi vi phạm pháp luật về tài chính, kế toán, kiểm toán và quản lý kinh tế bị xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn một năm, kể từ ngày có quyết định xử phạt sẽ không được đăng ký hành nghề kế toán. Tuy nhiên, để Dự thảo hoàn thiện hơncơ quan soạn thảo nên nhắc thêm những vấn đề sau:
Dự thảo quy định thời hạn một năm kể từ ngày có quyết định xử phạt căn cứ vào quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính về thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên quy định này chưa phù hợp, cơ quan soạn thảo nên xem xét quy định theo hướng những người có hành vi vi phạm pháp luật về tài chính, kế toán, kiểm toán và quản lý kinh tế bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chínhtheo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính thì không được đăng ký hành nghề kế toán là hợp lý hơn. Bởi vì, theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính thì cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Luật này cũng quy định cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt cảnh cáo hoặc 01 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính khác hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà không tái phạm thì được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính. Do vậy, nếu quy định như Dự thảo sẽ xảy ra hai trường hợp, một là: đối với xử phạt cảnh cáo, cá nhân, tổ chức đã chấp hành xong quyết định xử phạt và đã được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng vẫn không được đăng ký hành nghề kế toán. Hai là, đối với quyết định xử phạt hành chính khác có thể xảy ra trường hợp chưa được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng vẫn được đăng ký hành nghề kế toán, ví dụ như đối tượng bị xử phạt cố tình trốn tránh, trì hoãn thi hành quyết định xử phạt, trường hợp này thời hiệu thi hành quyết định được tính kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, trì hoãn mà không phải là một năm kể từ ngày ra quyết định xử phạt.
Do vậy, để thống nhất với Luật Xử lý vi phạm hành chính, Dự thảo nên quy định những người không được đăng ký hành nghề kế toán căn cứ vào quy định về thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính là hợp lý hơn.
Thứ hai, Điểm đ, Khoản 4, Điều 59 quy định “Người bị đình chỉ hành nghề dịch vụ kế toán” không được đăng ký hành nghề kế toán. Tuy nhiên, quy định này không được rõ ràng bởi vì không phân biệt người đang bị đình chỉ hay người đã từng bị đình chỉ. Theo Điều 25 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định về tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn thìchỉ trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, cá nhân, tổ chức không được tiến hành các hoạt động ghi trong giấy phép, chứng chỉ hành nghề (Thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 01 tháng đến 24 tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành). Do vậy, để đảm bảo quyền lợi những người hành nghề dịch vụ kế toán và thống nhất với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính thì cơ quan soạn thảo nên cân nhắc điều chỉnh lại quy định này như sau: “Người đang trong thời gian tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kế toán” là phù hợp hơn.
3. Về Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán
Dự thảo Luật chỉ mới quy định điều kiện doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận kinh doanh dịch vụ kế toán mà chưa quy định những trường hợp nào doanh nghiệp không được cấp giấy chứng nhận. Người viết cho rằng, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính quy định xử phạt đối với cả tổ chức có hành vi vi phạm hành chính, do vậy đối với những doanh nghiệp bị xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán mà chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính thì không nên cấp giấy chứng nhận kinh doanh dịch vụ kế toán. Ngoài ra, dự thảo BLHS sửa đổi có quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân, trong đó chủ yếu truy cứu các loại tội phạm về quản lý trật tự kinh tế, do vậy để thống nhất với dự thảo BLHS sửa đổi và đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, cơ quan soạn thảo nên cân nhắc bổ sung quy định không cấp giấy chứng nhận kinh doanh dịch vụ kế toán đối với doanh nghiệp đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế.
4. Đình chỉ kinh doanh dịch vụ kế toán và thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán
Thứ nhất, tại Khoản 1, Điều 69 quy định đình chỉ kinh doanh dịch vụ kế toán sẽ áp dụng đối với hai trường a) không đảm bảo một, một số hoặc toàn bộ các điều kiện quy định về cấp giấy chứng nhận kinh doanh dịch vụ kế toán trong ba tháng liên tục; b) có sai phạm về chuyên môn hoặc vi phạm về chuẩn mực kế toán, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán bị cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính từ mức cảnh cáo trở lên. Trong lúc đó pháp luật xử lý vi phạm hành chính quy định đây là hình phạt bổ sung được áp dụng cho nhiều hành vi vi phạm như giả mạo, khai man chứng từ kế toán, thỏa thuận hoặc ép buộc người khác giả mạo, khai man chứng từ kế toán… Như vậy, một biện pháp nhưng hai ngành luật áp dụng khác nhau. Do vậy, để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, đồng thời tạo thuận lợi cho các đối tượng dễ dàng khi áp dụng pháp luật, tránh nhầm lẫn, chồng chéo, hiểu sai đề nghị cơ quan soạn thảo nên cân nhắc rà soát quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính để có những quy định cho thống nhất.
Thứ hai, cũng tương tự như trên Khoản 3, Điều này quy định đình chỉ hoặc thu hồi giấy chứng nhận thì dẫn đến hậu quả là chấm dứt hoạt động kinh doanh. Trong lúc đó, theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính thì đây là những hình thức xử phạt có thời hạn, sau khi hết thời hạn, cá nhân, tổ chức vi phạm sẽ được trả lại để tiếp tục thực hiện hoạt động kinh doanh của mình. Như vậy, rõ ràng cũng một biện pháp xử lý nhưng hai ngành luật quy định hậu quả pháp lý khác nhau, điều này không những không đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật mà còn không bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực kế toán./.
Tác giả bài viết: Trần Thị Túy