Góp ý dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi): Không nên áp dụng hình phạt cảnh cáo

Thứ tư - 06/10/2021 17:37 170 0
Cảnh cáo là một hình phạt chính trong hệ thống hình phạt theo quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam. Về cơ cấu, trong tổng số các điều luật của Bộ luật Hình sự thì số điều luật quy định về hình phạt cảnh cáo tại phần các tội phạm chiếm tỷ lệ tương đối nhỏ.

Theo Điều 29 của Bộ luật Hình sự năm 1999 và Điều 32 dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), cảnh cáo được áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng và có nhiều tình tiết giảm nhẹ nhưng chưa đến mức miễn hình phạt. Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay, qua tổng kết các ý kiến về việc thi hành Bộ luật Hình sự thì trên thực tế, hình phạt cảnh cáo rất ít khi được Tòa án các cấp áp dụng để kết án người phạm tội. Chính vì ít được áp dụng nên đề nghị nên bỏ hình phạt cảnh cáo trong hệ thống hình phạt của Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Bởi vì, hình phạt cảnh cáo không có tác dụng răn đe, giáo dục người phạm tội, từ đó mục đích của hình phạt không đạt được. Thực tế hình phạt này có tính cưỡng chế thấp, chỉ ảnh hưởng một phần nhỏ đến tinh thần chứ không tước bỏ hay hạn chế quyền, lợi ích của bị cáo. Nếu cộng thêm ý thức pháp luật không cao thì mức hình phạt cảnh cáo khó lòng mà đạt được mục đích răn đe, giáo dục người phạm tội, từ đó dẫn tới hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm không cao. Vì vậy, cần phải loại bỏ dựa trên căn cứ sau:

Về mặt lý luận, theo quy định tại Điều 26 Bộ luật Hình sự hiện hành thì:  Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người phạm tội” và Điều 30 dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) . Khái niệm hình phạt được sửa đổi như sau: “Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước được quy định trong Bộ luật này, do Tòa án quyết định áp dụng đối với cá nhân hoặc pháp nhân là các tổ chức kinh tế phạm tội nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của cá nhân, pháp nhân đó”. Như vậy với tư cách là một hình phạt, cảnh cáo cũng phải thể hiện được bản chất của hình phạt đó là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của nhà nước nhằm tước bỏ hay hạn chế quyền, lợi ích của người phạm tội. Tuy nhiên, hình phạt này không thể hiện được điều đó mà nó chỉ gây tổn thất về tinh thần đối với người bị kết án. Khi qui định về hình phạt này, nhà nước mong muốn sau khi người phạm tội chịu sự lên án của nhà nước, người phạm tội sẽ nhận thức được đúng sai, thấy được lỗi lầm của mình. Nhưng mục đích đó đâu phải lúc nào cũng đạt được, bởi nó còn tuỳ thuộc vào nhận thức, tâm lí của từng cá nhân người phạm tội.

Về mặt thực tiễn, mục đích chính của việc qui định hình phạt cảnh cáo trong hệ thống hình phạt là giúp Toà án khi xét xử phân hoá được trách nhiệm hình sự tuỳ theo tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử cho thấy hình phạt cảnh cáo được các Toà án áp dụng rất ít. Khi Toà án tuyên bị cáo phạm tội cụ thể với hình phạt cảnh cáo là chấm dứt qui trình tố tụng, bị cáo chỉ việc ra về. Với số ít người bị áp dụng hình phạt cảnh cáo đã đủ để họ cảnh tỉnh, tự giác cải tạo tốt nhưng với những người mà ý thức pháp luật không tốt thì hình phạt cảnh cáo không có tác động tích cực gì đối với họ (mặc dù mang án tích 1 năm), do đó không đáp ứng được yêu cầu đấu tranh và phòng chống tội phạm. Vì vậy, cần loại bỏ hình phạt cảnh cáo ra khỏi hệ thống hình phạt là hợp lý về cả lý luận và thực tiễn./.

Tác giả bài viết: Lê Kim Chinh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây