Phát biểu tại Hội nghị bà Nguyễn Thanh Thụy giới thiệu dự thảo Bộ luật Dân sự là một Dự án lớn được bố cục thành 26 Chương và 700 Điều, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến. Ngay sau kỳ họp, cơ quan soạn thảo đã nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, đồng thời tổ chức một số cuộc tọa đàm, hội thảo để lấy ý kiến các bộ, ngành hữu quan, các chuyên gia, nhà nghiên cứu để tiếp tục chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Bộ luật. Tuy nhiên, đây là một Dự án lớn, nhiều quy định liên quan đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân cũng như xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, do vậy cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng cả về lý luận và thực tiễn, vì vậy Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ đạo tiếp tục xin ý kiến một số vấn đề lớn trong quá trình tiếp thu chỉnh lý Dự án, bao gồm: trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự; quyền nhân thân của cá nhân; về thời điểm xác lập quyền sở hữu và các vật quyền khác theo hợp đồng; thời hiệu thừa kế; vật quyền; chuyển đổi giới tính; về chủ thể quan hệ pháp luật dân sự; điều chỉnh hợp đồng do hoàn cảnh thay đổi và lãi suất trong hợp đồng vay tài sản.
Phát biểu tại Hội nghị ông Lê Văn Toàn – Giám đốc Sở Tư pháp cho rằng Dự thảo quy định Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng, trong trường hợp này các quy định về tập quán và tương tự pháp luật quy định tại Điều 5, Điều 6 Dự thảo được áp dụng là cần thiết, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của cá nhân, tổ chức, đồng thời phù hợp với quy định của Hiến pháp về việc Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, để quy định này có thể thực hiện một cách khả thi thì luật cần phải giao cho một cơ quan có thẩm quyền quy định và công bố về tập quán nhằm áp dụng thống nhất trên phạm vi cả nước. Đồng tình với quan điểm trên nhiều đại biểu cũng cho rằng, các quan hệ xã hội này luôn phát triển theo chiều hướng đa dạng, phong phú và có phần ngày càng phức tạp, các nhà làm luật không thể dự liệu được các quan hệ phát sinh để có thể điều chỉnh bằng chế định pháp luật, điều này dẫn đến các lỗ hỏng pháp luật mà các cơ quan xét xử thường gặp không ít khó khăn vì không có cơ sở pháp lý để giải quyết, đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích chính đáng của cá nhân và tổ chức. Do vậy, nhà nước cần phải tin tưởng và giao cho tòa án giải quyết những vụ, việc dân sự khi chưa có điều luật áp dụng.
Tại Hội nghị các đại biểu cũng góp ý sâu về chuyển đổi giới tính, thời hiệu thừa kế và lãi suất trong hợp đồng vay tài sản. Trong đó, đa số đại biểu đều nhất trí với quy định của Dự thảo về việc thừa nhận chuyển đổi giới tính bởi đây là nhu cầu thực tiễn và đang ngày gia tăng, nếu nhà nước không thừa nhận, không có các chính sách cụ thể về vấn đề này thì hệ lụy của nó mang lại không những cho cá nhân, gia đình người chuyển giới trong mọi lĩnh vực của đời sống như tiếp cận dịch vụ y tế, bảo hiểm, an sinh xã hội, hôn nhân gia đình… mà còn ảnh hưởng đến vấn đề quản lý xã hội, quản lý công dân nói chung. Đối với thời hiệu thừa kế, các đại biểu cho rằng Dự thảo quy định thời hiệu để những người thừa kế yêu cầu chia di sản là ba mươi năm đối với bất động sản và mười năm đối với động sản là phù hợp với thực tiễn, tuy nhiên đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc thêm quy định “hết thời hiệu này di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó” bởi vì trường hợp người thừa kế đang quản lý di sản vi phạm nghĩa vụ quy định tại Điều 625 Dự thảo thì có đương nhiên được hưởng di sản hay không. Về lãi suất trong hợp đồng vay tài sản, đa số đại biểu nhất trí với quy định lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 200% theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố nhằm xác định vai trò của nhà nước trong điều hành chính sách tiền tệ chung, tạo sự thống nhất về xác định lãi xuất, ngăn ngừa cho vay nặng lãi. Ngoài ra, các đại biểu cũng tham gia góp ý một số nội dung cụ thể khác của dự thảo Bộ luật.
Kết luận Hội nghị, bà Nguyễn Thanh Thụy ghi nhận và cám ơn các đại biểu đã dành thời gian nghiên cứu nghiêm túc và có ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật, Đoàn sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến góp ý và tổng hợp gửi Ủy ban thường vụ Quốc hội, cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo để tiếp tục chỉnh lý hoàn thiện Dự thảo./.
Tác giả bài viết: LN