Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức Hội nghị góp ý dự thảo Luật Trưng cầu ý dân

Thứ tư - 06/10/2021 17:37 101 0
Vừa qua, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định tổ chức Hội nghị góp ý đối với dự thảo Luật Trưng cầu ý dân. Hội nghị do đồng chí Nguyễn Thanh Thụy – Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì với sự tham dự của đại diện các sở, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh.

Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thanh Thụy giới thiệu trưng cầu ý dân được các bản Hiến pháp 1946, 1959, 1980, 1992, 2013 ghi nhận. Đặc biệt, Hiến pháp 2013 dành một số điều quy định về vấn đề này, bao gồm quyền biểu quyết của công dân khi nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân (Điều 29), quyền quyết định trưng cầu ý dân (Khoản 15, Điều 70), trách nhiệm tổ chức trưng cầu ý dân (Khoản 13, Điều 74) và trưng cầu ý dân về Hiến pháp (Khoản 4, Điều 120). Do vậy, để cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 thì việc xây dựng và ban hành Luật Trưng cầu ý dân là cần thiết. Luật này do Hội Luật gia Việt Nam chủ trì soạn thảo, được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIII, dự thảo Luật đã được cơ quan soạn thảo gửi lấy ý kiến rộng rãi, tiếp thu chỉnh lý với 8 Chương, 51 Điều. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn một số nội dung lớn còn có ý kiến khác nhau cần tiếp tục xin ý kiến để hoàn thiện Dự thảo trước khi trình Quốc hội quyết định thông qua. Cụ thể: Đó là các vấn đề về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật; Vấn đề Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân; Phạm vi tổ chức trưng cầu ý dân; Cơ quan, tổ chức có quyền đề nghị trưng cầu ý dân, Vấn đề Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân và kết quả trưng cầu ý dân.

Phát biểu tại Hội nghị các đại biểu tham gia góp ý chi tiết về những vấn đề lớn của Dự thảo. Về cơ bản, các đại biểu đều nhất trí với nội dung dự thảo Luật về các vấn đề về Phạm vi điều chỉnh, những vấn đề Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân và kết quả trưng cầu ý dân. Tuy nhiên, đối với quy định về cơ quan, tổ chức có quyền đề nghị trưng cầu ý dân thì nhiều đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nên cân nhắc bổ sung thêm Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là chủ thể có thẩm quyền đề nghị trưng cầu ý dân để phù hợp với vị trí, vai trò của Mặt trận là đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội. Đối với phạm vi tổ chức trưng cầu ý dân thì một số đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nên cân nhắc quy định tổ chức trưng cầu ở cả phạm vi cả nước và địa phương, việc quy định này vừa phù hợp với điều kiện chính trị, xã hội, kinh tế của Việt Nam vừa phù hợp với quy định của Hiến pháp, bởi vì thẩm quyền quyết định trưng cầu ý dân và phạm vi thực hiện trưng cầu ý dân là hai vấn đề khác nhau, theo hiến định thì chỉ có Quốc hội có thẩm quyền quyết định trưng cầu ý dân và Quốc hội có thể quyết định một vấn đề cụ thể sẽ được trưng cầu ý dân ở phạm vi cả nước hay ở địa phương.

Kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thanh Thụy ghi nhận và cám ơn các đại biểu đã dành thời gian nghiên cứu nghiêm túc và có ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật, Đoàn sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến góp ý của các đại biểu./.

Tác giả bài viết: LN

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây