Căn cứ vào quy định của dự thảo và thực tiễn thi hành pháp luật cho thấy một số quy định trong điều luật của phần chung và phần các tội phạm của Bộ luật Hình sự hiện hành về vấn đề “tuổi chịu trách nhiệm hình sự” và “người đã thành niên” đang là vướng mắc không nhỏ cho các cơ quan tiến hành tố tụng bởi sự quy định không rõ ràng, mâu thuẫn trong các điều luật.
Tuổi chịu trách nhiệm hình sự mặc dù không được ghi nhận chính thức dưới góc độ lập pháp là một đặc điểm (dấu hiệu) cơ bản của tội phạm trong Điều 8 Bộ luật Hình sự, tuy nhiên, dấu hiệu này lại có ý nghĩa rất quan trọng trong việc làm sáng tỏ trách nhiệm hình sự của người phạm tội. Đây cũng như là dấu hiệu không thể thiếu trong yếu tố chủ thể của tội phạm bên cạnh dấu hiệu “năng lực trách nhiệm hình sự”. Ngoài ra, độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự cũng là một vấn đề quan trọng có ý nghĩa quyết định đối với quá trình giải quyết vụ án hình sự.
Điều 12 Bộ luật Hình sự hiện hành thì tuổi chịu trách nhiệm hình sự quy định như sau: “1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm;
2. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”. Như vậy, pháp luật hình sự Việt Nam hiện hành quy định độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo hai mức: từ đủ 14 đến dưới 16 và từ đủ 16 tuổi trở lên.
Căn cứ vào nội dung Điều 12 Bộ luật Hình sự hiện hành cho thấy có sự chưa thống nhất giữa quy định của điều luật này với nội dung của quy định trong Phần các tội phạm của Bộ luật Hình sự. Cụ thể, theo Khoản 1, Điều 12 Bộ luật Hình sự thì: “Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm...”. Nhưng tại Khoản 1, Điều 115 Bộ luật Hình sự về Tội giao cấu với trẻ em lại quy định: “1. Người nào đã thành niên mà giao cấu với trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm...”.
Theo đó, nếu một người 17 tuổi mà giao cấu với trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi thì không phải chịu trách nhiệm hình sự vì theo Khoản 1, Điều 115 Bộ luật Hình sự quy định chủ thể phải là người “đã thành niên” nghĩa là đủ 18 tuổi. Trong khi đó nếu theo Khoản 1, Điều 12 Bộ luật Hình sự thì người này lại phải chịu trách nhiệm hình sự, vì các nhà làm luật đã quy định người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm nghĩa là bất kỳ tội phạm nào được quy định trong Phần các tội phạm của Bộ luật Hình sự - trong đó có cả Tội giao cấu với trẻ em.
Để khắc phục khiếm khuyết này, dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) sửa đổi Điều 12 theo hướng tuổi chịu trách nhiệm hình sự như sau:
- Khoản 1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những trường hợp khác do Bộ luật này quy định.Khoản này sửa đổi, bổ sung nội dung quy định những tội danh cụ thể có độ tuổi riêng (đã thành niên) để xử lý trách nhiệm hình sự.
- Khoản 2 sửa đổi theo 2 Phương án:
Phương án 1. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người, tội hiếp dâm, tội hiếp dâm trẻ em, tội cưỡng dâm trẻ em, tội cướp tài sản, tội cướp giật tài sản và tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều sau đây: Gồm có 25 tội danh cụ thể.
Phương án 2. Giữ nguyên như quy định hiện hành. Như vậy, theo như dự thảo thì Phương án này không quy định tội danh cụ thể theo hướng thu hẹp để xử lý trách nhiệm hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi mà chỉ quy định mang tính chất nguyên tắc chung là: “Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”. Nghĩa là tất cả những trường hợp người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự đối với tất cả các tội danh nếu có hành vi vi phạm có tính chất lỗi, tội phạm ở mức rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Trong 2 phương án nêu trên thì Phương án 2 đảm bảo tính răn đe, nghiêm khắc hơn. Đồng thời, phù hợp với mục đích của Bộ luật Hình sự trong công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm. Do đó chọn Phương án 2 giữ nguyên như quy định hiện hành là hợp lý.
Tuy nhiên, tại Khoản 1 của Điều này, Luật quy định chỉ áp dụng đối với trường hợp người phạm tội là người đã thành niên có hành vi vi phạm, không áp dụng đối với trường hợp phạm tội là những người từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi (trừ trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc đặc biệt nghiêm trọng). Đối với quy định chủ thể áp dụng trong 3 tội danh này về mặt lý luận thì hoàn toàn phù hợp với quy định tại Điều 12 của Dự thảo Bộ luật là: “Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những trường hợp khác do Bộ luật này quy định”.Bởi vì 3 tội danh này dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) có quy định khác về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, về mặt thực tiễn là không phù hợp. Bởi vì, thực tiễn hiện nay điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay đã cải thiện, điều kiện về thể chất, tâm sinh lý của con người Việt Nam đã được phát triển sớm hơn so với trước đây. Mặt khác, hiện nay lĩnh vực công nghệ thông tin, Internet tại Việt Nam ngày một hoàn thiện và phát triển rộng rãi, bên cạnh mặt tích cực thì cũng phát sinh nhiều tiêu cực, độc hại, trong đó có tác động không nhỏ và là nguyên nhân dẫn đến các hành vi phạm tội về tình dục và đối tượng thực hiện hành vi phạm tội này có xu hướng trẻ hóa rơi vào lứa tuổi vị thành niên. Vì vậy, đa số trẻ em gái rất dễ bị lợi dụng và xâm hại làm ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần có trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng như bị phát tán phim ảnh gây ảnh hưởng xấu cho gia đình xã hội, cá biệt có trường hợp dẫn đến chết người do tự tử nhưng không thể xử lý hình sự đối với 3 tội danh này nếu người phạm tội là vị thành niên. Do vậy, để bảo vệ quyền lợi của trẻ em gái từ 14 tuổi trở lên do bị lôi kéo, dụ dỗ và tự nguyên để cho người vị thành niên có hành vi giao cấu, dâm ô hoặc khiêu dâm, đề nghị Luật không nên quy định chỉ xử lý những người thực hiện hành vi phạm tội là những người đã thành niên. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng bỏ lọt hành vi phạm tội, không đảm bảo tính răn đe./.
Tác giả bài viết: Lê Kim Chinh