Quy định mới của dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi): Xử lý hình sự đối với pháp nhân

Thứ tư - 06/10/2021 17:37 121 0
Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) là một trong những dự án luật quan trọng trong Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội. Một trong những nội dung trọng tâm của việc sửa đổi Bộ luật Hình sự lần này là việc quy định xử lý trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân có hành vi vi phạm pháp luật. Cụ thể, theo Điều 76 của dự thảo, pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự về 32 tội danh, trong đó có các tội thuộc nhóm tội phạm môi trường, kinh tế, tham nhũng:

Trong nhóm tội phạm môi trường, dự thảo quy định truy cứu hình sự pháp nhân các tội gây ô nhiễm môi trường; tội vi phạm quy định về xử lý chất thải nguy hại; tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam; tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản; tội hủy hoại rừng…Trong nhóm tội phạm kinh tế, dự thảo quy định truy cứu hình sự pháp nhân các tội buôn lậu; tội trốn thuế; tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động; tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán… Trong nhóm tội phạm tham nhũng có hai tội đưa hối lộ và tội nhận hối lộ.

Về chế tài, dự thảo quy định hệ thống chế tài hình sự đối với pháp nhân phạm tội: Hình phạt chính bao gồm phạt tiền; tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tước quyền sử dụng giấy phép vĩnh viễn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Hình phạt bổ sung bao gồm cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; cấm huy động vốn; phạt tiền (khi không áp dụng là hình phạt chính). Ngoài ra, các biện pháp tư pháp áp dụng với pháp nhân phạm tội theo dự thảo gồm tịch thu vật, tiền, hàng hóa, phương tiện trực tiếp liên quan đến tội phạm; trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi; khôi phục lại tình trạng ban đầu...

Về vấn đề xác định hành vi và lỗi khi truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thì trong nhóm 32 tội danh mà pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) thì phần lớn các tội phải được thực hiện với lỗi cố ý. Vậy, việc xác định hành vi và lỗi của pháp nhân sẽ như thế nào là vấn đề hết sức qua trọng, phức tạp đòi hỏi Bộ luật Hình sự cần quy định cụ thể, chặt chẽ và khoa học.

Bởi vì, các pháp nhân đều có người đại diện theo pháp luật, là người thay mặt pháp nhân thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định pháp luật. Việc xác định trách nhiệm hình sự của pháp nhân được thực hiện thông qua việc xác định hành vi phạm tội và lỗi của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân hay bao gồm cả người làm công, đại lý, đơn vị được ủy quyền? Đồng thời cũng phải có cơ chế phân biệt việc chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân và việc cá thể hóa trách nhiệm hình sự của người đại diện theo pháp luật, người quản lý trực tiếp. Đây là những vấn đề mà Luật cần làm rõ.

Đây là lần đầu tiên, Việt Nam quy định về việc chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân, xuất phát từ tình hình vi phạm pháp luật do pháp nhân thực hiện ngày càng phức tạp và nghiêm trọng, đặc biệt là các hành vi gây ô nhiễm môi trường, buôn lậu, trốn thuế, sản xuất hàng giả, hàng cấm, trốn đóng bảo hiểm xã hội… gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống an lành của người dân, gây mất trật tự, an toàn xã hội. Trong khi đó, việc xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi này theo quy định của pháp luật hiện hành chưa đủ sức răn đe.

Việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân cũng phù hợp xu thế chung trên thế giới, đồng thời tạo lập hành lang, cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các Công ước quốc tế về phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, rửa tiền, tham nhũng mà Việt Nam đã tham gia.

Có thể nhận thấy, việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân là cần thiết. Tuy nhiên, đây là vấn đề mới cả về khoa học pháp lý lẫn kỹ thuật lập pháp, làm thay đổi một trong những nguyên tắc cơ bản của pháp luật hình sự Việt Nam đó là “chỉ có cá nhân mới phải chịu trách nhiệm hình sự”, thay đổi chủ thể trong quan hệ pháp luật hình sự nên cần phải hết sức thận trọng trong vấn đề xây dựng quy phạm pháp luật./.

Tác giả bài viết: Lê Kim Chinh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây