Nên trưng cầu ý dân ở phạm vi nào?

Thứ tư - 06/10/2021 17:37 1.048 0
Trưng cầu ý dân là một chế định pháp lý quan trọng đã được Hiến pháp qua các thời kỳ ghi nhận. Đặc biệt, Hiến pháp năm 2013 dành một số điều quy định về vấn đề này, bao gồm quyền biểu quyết của công dân khi nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân (Điều 29), quyền quyết định trưng cầu ý dân (Khoản 15, Điều 70), trách nhiệm tổ chức trưng cầu ý dân (Khoản 13, Điều 74) và trưng cầu ý dân về Hiến pháp (Khoản 4, Điều 120). Do vậy, để cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 thì việc xây dựng và ban hành Luật Trưng cầu ý dân là cần thiết.

Luật này do Hội Luật gia Việt Nam chủ trì soạn thảo, gồm 9 chương, 56 Điều, được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIII. Tuy nhiên, trưng cầu ý dân ở phạm vi nào là nội dung mà cơ quan soạn thảo nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quy định. Điều 7 Dự thảo Luật Trưng cầu ý dân quy định các cuộc trưng cầu ý dân được thực hiện trên phạm vi cả nước.  

Theo kết quả khảo sát của cơ quan soạn thảo thì nhiều nước trên thế giớicó quy định khác nhau về phạm vi trưng cầu ý dân, trong đó có nước tổ chức chỉ ở cấp quốc gia, một số nước chỉ tổ chức ở cấp địa phương và một số nước tổ chức cả hai cấp quốc gia và địa phương. Điều này cho thấy rằng quy định phạm vi trưng cầu ý dân ở cấp nào là phụ thuộc vào điều kiện chính trị, xã hội, kinh tế của mỗi nước. Ở Việt Nam, với đặc thù kinh tế, xã hội, chính trị, địa lý, dân cư và nhận thức của người dân địa phương thì trưng cầu ý dân ở hai cấp nhà nước và địa phương là phù hợp hơn và sẽ phát huy được giá trị của quyền dân chủ trực tiếp hơn.

Thứ nhất,dự thảo Luật quy định những vấn đề trưng cầu ý dân là những vấn đề về Hiến pháp và những vấn đề quan trọng khác thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội. Theo quy định của Hiến pháp và của Luật Tổ chức Quốc hội thì có thể hiểu đó là những vấn đề như làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp; quyết định các vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội như mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế - xã hội dài hạn và hằng năm của đất nước; chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ quốc gia, chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo, các vấn đề cơ bản về đối ngoại của Nhà nước…Một thực tế mà chúng ta cần phải nhìn nhận để hạn chế tính hình thức của chế định đó là những vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội là những vấn đề lớn, mang tính quyết định, chiến lược của một quốc gia, mà để có thể quyết định được các vấn đề đó Quốc hội cần phải dành nhiều thời gian để thảo luận, huy động trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách để nghiên cứu, phân tích, đánh giá, tổ chức hàng loạt các hội thảo, học tập nghiên cứu kinh nghiệm của các nước… rõ ràng trong điều kiện còn nhiều khó khăn, hạn chế như hiện nay thì người dân rất khó đưa ra một quyết định chính xác cho những vấn đề mang tầm chiến lược đó, vì vậy kết quả trưng cầu ý dân có thể sẽ không phản ánh đúng hoàn toàn ý chí, nguyện vọng của người dân.

Thứ hai,trong những vấn đề đó có những vấn đề chỉ tác động trực tiếp đến một hoặc một số địa phương như thành lập, giải thể,nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh, thành phố, dự án kinh tế tỉnh, vùng...thì không cần thiết phải trưng cầu ý dân trên phạm vi cả nước. Bởi vì, sẽ rất lãng phí mà hiệu quả sẽ không cao. Trong trường hợp này, chỉ nên thực hiện trưng cầu ở phạm vi địa phương vì chỉ có người dân địa phương – những người chịu tác động trực tiếp mới phản ánh đúng chủ trương, chính sách có phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, hoặc đánh giá một cách chính xác về mức độ tác động của chủ trương, chính sách lên các mối quan hệ kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường, nhận thức... tại địa phương. Kết quả trưng cầu ý dân trong trường hợp này mới phản ánh đúng nguyện vọng, mong muốn của Nhân dân địa phương đối với chính sách của Nhà nước và có thể đảm bảo tính khả thi khi chính sách đi vào cuộc sống. Trên thực tế, mặc dù pháp luật có quy định một số lĩnh vực phải lấy ý kiến Nhân dân như việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, tuy nhiên dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương không quy định về hiệu lực kết quả lấy ý kiến Nhân dân, điều này khác với chế định trưng cầu ý dân là kết quả trưng cầu ý dân có giá trị quyết định. Nếu pháp luật không quy định hiệu lực kết quả lấy ý kiến Nhân dân có giá trị quyết định như kết quả trưng cầu ý dân, mà chỉ là kết quả tham khảo thì việc lấy ý kiến Nhân dân đối với những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến người dân chỉ mang tính hình thức, không phát huy được giá trị của dân chủ trực tiếp.

Thứ ba,thực tế có thể có những chủ trương, chính sách mang tính vùng miền, địa phương nhưng có sự tác động tổng thể đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội chung cả nước. Đối với những chủ trương này nếu sự tác động của nó là tích cực cho cả địa phương và chung cho cả nước thì kết quả trưng cầu ý dân là khả thi. Nhưng nếu sự tác động của nó là tích cực cho cả nước nhưng tiêu cực cho địa phương thì phải do Nhân dân địa phương quyết định nếu nhà nước không có biện pháp khác bảo vệ quyền, lợi ích, tính mạng, sức khỏe cho Nhân dân địa phương, bởi vì bản chất của trưng cầu ý dân là phải đảm bảo chủ trương, chính sách của nhà nước phải xuất phát từ nhân dân, phải hợp với lòng dân, lấy dân làm gốc, cụ thể là những người dân chịu sự tác động trực tiếp của những chủ trương, chính sách đó./.

Tác giả bài viết: Trần Thị Túy

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây