Bàn về một số quy định về lập danh sách cử tri bỏ phiếu trưng cầu ý dân của dự thảo Luật Trưng cầu ý dân

Thứ tư - 06/10/2021 17:37 91 0
Dự thảo Luật Trưng cầu ý dân được Hội Luật gia Việt Nam chủ trì xây dựng để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, Dự thảo gồm 9 chương và 56 Điều. Trong đó, các nội dung về nguyên tắc lập danh sách cử tri; những trường hợp không được ghi tên vào danh sách cử tri; thẩm quyền lập danh sách cử tri; niêm yết lập danh sách cử tri; khiếu nại và giải quyết khiếu nại về danh sách cử tri được dự thảo Luật quy định từ Điều 26 đến Điều 30. Mặc dù, các nội dung về lập danh sách cử tri đã được cơ quan soạn thảo quy định chặt chẽ nhằm đảm bảo quyền biểu quyết của cử tri khi nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân. Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung cơ quan soạn thảo nên cân nhắc thêm để Dự thảo được hoàn thiện hơn, cụ thể như sau:

1. Về Nguyên tắc lập danh sách cử tri (Điều 26)

Thứ nhất,Khoản 3 Điều này quy định: Trong thời gian lập danh sách cử tri, người thay đổi nơi cư trú mà đã đăng ký tạm trú ở nơi mới đến thì được ghi tên vào danh sách cử tri tại Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện đối với nơi không có đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký tạm trú và bỏ phiếu tại nơi đó. Tuy nhiên, đối chiếu với Luật Cư trú thì quy định này là chưa được rõ ràng và trong một số trường hợp có thể sẽ dẫn đến hạn chế quyền bỏ phiếu trưng cầu của công dân. Bởi vì, theo quy định của Luật Cư trú thì nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc tạm trú và trên thực tế thì trong thời gian lập danh sách cử tri, công dân có thể thay đổi cả nơi thường trú hoặc tạm trú. Như vậy, nếu luật quy định chỉ được ghi tên vào danh sách cử tri nơi đăng ký tạm trú mới thì trong trường hợp công dân thay đổi nơi thường trú trong thời gian lập danh sách cử tri thì công dân sẽ không được ghi tên vào danh sách cử tri nơi đăng ký thường trú mới. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo nên quy định rõ trong thời gian lập danh sách cử tri, nếu cử tri thay đổi nơi cư trú mà đã đăng ký tạm trú hoặc đã đăng ký thường trú ở nơi mới đến thì được ghi tên vào danh sách cử tri tại Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện đối với nơi không có đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký tạm trú, trường trú và bỏ phiếu tại nơi đó.

Thứ hai,theo quy định tại Điều 27 Dự thảo thì những người bị tạm giam, tạm giữ không thuộc trường hợp không được ghi tên vào danh sách cử tri. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung một khoản vào Điều này quy định cụ thể những người bị tạm giam, tạm giữ được quyền ghi tên vào danh sách cử tri nơi họ đang bị tạm giữ, tạm giam để bảo đảm quyền được bỏ phiếu biết quyết trưng cầu ý dân của những đối tượng này.

2. Những trường hợp không được ghi tên vào danh sách cử tri

Khoản 2 Điều 27 quy định “Người đã có tên trong danh sách cử tri mà đến thời điểm bắt đầu bỏ phiếu bị Tòa án tước quyền bỏ phiếu trưng cầu ý dân, phải chấp hành hình phạt tù hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì..” và Khoản 3 quy định “…hoặc được cơ quan có thẩm quyền xác nhận không còn tình trạng mất năng lực hành vi dân sự thì…”. Những quy định trên là chưa rõ ràng so với quy định của Bộ luật Dân sự về mất năng lực hành vi dân sự. Cụ thể Khoản 1 Điều 22 Bộ luật Dân sự quy định khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Toà án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận của tổ chức giám định. Khi không còn căn cứ tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan, Toà án ra quyết định huỷ bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự. Như vậy, theo quy định này thì tình trạng mất năng lực hành vi dân sự của một người hoặc xác nhận một người không còn tình trạng mất năng lực hành vi dân sự đều phải được Tòa án ra quyết định tuyên bố hoặc hủy bỏ. Do vậy, đề phù hợp với Bộ luật Dân sự, đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh lại nội dung các khoản này như sau: Khoản 2: “Người đã có tên trong danh sách cử tri mà đến thời điểm bắt đầu bỏ phiếu bị Tòa án tước quyền bỏ phiếu trưng cầu ý dân, phải chấp hành hình phạt tù hoặc bị Tòa án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự thì..”. Khoản 3 điều chỉnh lại như sau: “…hoặc Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự thì…”.

3. Thẩm quyền lập danh sách cử tri

Khoản 2 Điều 28 quy định: “Danh sách cử tri trong đơn vị vũ trang nhân dân do Chỉ huy đơn vị lập theo khu vực bỏ phiếu. Quân nhân có hộ khẩu thường trú ở địa phương gần khu vực đóng quân có thể được Chỉ huy đơn vị cấp giấy chứng nhận để được ghi tên vào danh sách cử tri và tham gia bỏ phiếu ở địa phương đó. Khi cấp giấy chứng nhận, Chỉ huy đơn vị phải ghi ngay vào danh sách cử tri bên cạnh tên người đó "Bỏ phiếu ở nơi cư trú"”. Quy định ghi chú “Bỏ phiếu ở nơi cư trú” như trên là chưa rõ ràng vì không phân biệt được nơi thường trú với nơi tạm trú. Bời vì, cũng như phân tích ở trên thì theo quy định của Luật Cư trú, nơi cư trú là nơi thường trú hoặc tạm trú, trong lúc đó Khoản 2 Điều 28 Dự thảo chỉ quy định quân nhân có hộ khẩu thường trú ở địa phương gần khu vực đóng quân có thể được Chỉ huy đơn vị cấp giấy chứng nhận để được ghi tên vào danh sách cử tri và tham gia bỏ phiếu ở địa phương đó, quy định này không áp dụng đối với quân nhân có đăng ký tạm trú ở địa phương gần khu vực đóng quân.Do vậy, cơ quan soạn thảo nên cân nhắc điều chỉnh lại quy định ghi chú trong trường hợp này như sau “...Chỉ huy đơn vị phải ghi ngay vào danh sách cử tri bên cạnh tên người đó "Bỏ phiếu ở nơi thường trú” để nội dung điều khoản được rõ ràng, dễ áp dụng hơn./.

Tác giả bài viết: Trần Thị Túy

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây