Nghiên cứu – Trao đổi: Một số nội dung góp ý Dự thảo Luật Tiếp cận thông tin

Thứ tư - 06/10/2021 17:37 226 0
Luật Tiếp cận thông tin được xây dựng nhằm khắc phục các bất cập về pháp luật và cơ chế thi hành pháp luật hiện nay về tiếp cận thông tin của công dân, tạo khuôn khổ pháp lý chung ghi nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân. Đồng thời, việc xây dựng và ban hành Luật Tiếp cận thông tin cũng sẽ bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân theo tinh thần và quy định của Điều 25 Hiến pháp năm 2013; góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế. Đây cũng là hoạt động nhằm thực hiện các cam kết quốc tế khi Việt Nam đã tham gia nhiều điều ước, hiệp ước quốc tế, kế hoạch hành động, các tuyên bố quốc tế trong đó có những yêu cầu mang tính ràng buộc hoặc khuyến nghị các quốc gia thành viên ban hành Luật tiếp cận thông tin.

Dự thảo Luật Tiếp cận thông tin được quy định gồm 07 chương, 33 điều quy định chặt chẽ các vấn đề về cung cấp thông tin và bảo đảm quyền được tiếp cận thông tin của công dân, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc đảm bảo quyền được tiếp cận thông tin của công dân. Để Dự thảo Luật Tiếp cận thông tin được hoàn thiện đảm bảo được tính chuẩn xác, tính hợp pháp, hợp lý và khả thi khi được ban hành, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, với quan điểm cá nhân, trên cơ sở nghiên cứu Dự thảo Luật Tiếp cận thông tin, người viết có một số góp ý đối với Dự thảo Luật Tiếp cận thông tin như sau:

Về các chủ thể có trách nhiệm cung cấp thông tin, đề nghị chủ thể phải cung cấp thông tin là tất cả các cơ quan nhà nước và các tổ chức có sử dụng tài sản, ngân sách nhà nước(bao gồm các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức do Thủ tướng Chính phủ thành lập, tổ chức sự nghiệp dịch vụ công, doanh nghiệp nhà nước, quỹ được thành lập theo quy định của pháp luật), trừ tổ chức chính trị.Vì tất cả các cơ quan này trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ đều tạo ra và nhận được nhiều thông tin liên quan trực tiếp đến đời sống xã hội, quyền và lợi ích của công dân, tổ chức. Do vậy, thông tin của các cơ quan này cần phải được công khai rộng rãi hoặc cung cấp theo yêu cầu. Các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức do Thủ tướng Chính phủ thành lập, tổ chức sự nghiệp dịch vụ công, doanh nghiệp nhà nước, quỹ được thành lập theo quy định của pháp luật không chỉ tại ra và nắm giữ các thông tin liên quan đến vấn đề quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách má còn có cả các thông tin liên quan đến đời sống xã hội, quyền và lợi ích của công dân, tổ chức. Do đó, quy định việc cung cấp thông tin của các tổ chức chính trị- xã hội, các đơn vị sự nghiệp công, các doanh nghiệp nhà nước không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Tiếp cận thông tin là không đảm bảo sự công bằng, bình đẳng giữa các cơ quan trong việc thực hiện trách nhiệm cung cấp thông tin cũng như bảo đảm quyền được tiếp cận thông tin của công dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Về phạm vi thông tin được quy định trong Dự thảo Luật, thống nhất như quy định của Dự thảo là loại các thông tin thuộc bí mật nhà nước, thông tin được chuyển sang lưu trữ lịch sử ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật vì đã có quy định trong các văn bản pháp luật khác. Tuy nhiên, Dự thảo Luật nên rà soát lại và nên quy định cụ thể đối với những thông tin hạn chế tiết lộ, theo đó, những thông tin không thuộc phạm vi hạn chế tiết lộ thì là thông tin được phép tiếp cận cho dễ hiểu, dễ nắm bắt trong quá trình nghiên cứu, áp dụng nội dung các quy định trong việc thế. Việc quy định như Dự thảo Luật vừa xác định cả phạm vi các loại thông tin được tiếp cận và loại thông tin hạn chế tiếp cận (bí mật đời tư và bí mật kinh doanh,...) cũng chưa thể hiện được tính hợp lý, đầy đủ và quy định về các loại thông tin được tiếp cận còn mang tính chất chung chung dẫn chiếu đến nhiều văn bản quy phạm pháp luật cụ thể khác mà chưa quy định cụ thể, trực tiếp theo yêu cầu của văn bản quy phạm pháp luật. 

Về thông tin được tiếp cận, thống nhất với Dự thảo Luật chỉ nên quy định thông tin được tiếp cận là tin tức, dữ liệu có sẵn trong hồ sơ, tài liệu chính thức do cơ quan nhà nước/cơ quan cung cấp thông tin tạo ra và lưu giữ.Theo đó, cơ quan không phải cung cấp những thông tin không do mình tạo ra mà chỉ nhận được hoặc đang nắm giữ trong quá trình thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình.Quy định như vậy sẽ bảo đảm tính chính xác của thông tin chính thức từ chính cơ quan tạo ra đồng thời giảm bớt gánh nặng trách nhiệm cho cơ quan nhà nước trong việc cung cấp thông tin, bởi vì số lượng thông tin do mỗi cơ quan lưu giữ được trong quá trình thực hiện nhiệm vụ là rất lớn. Nếu công dân yêu cầu cung cấp thông tin do cơ quan nhận được trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình nhưng không do chính cơ quan đó tạo ra, để tạo điều kiện cho công dân tiếp cận thông tin, thì cơ quan có thể cung cấp thông tin nếu như thông tin đó là chính thức, có sẵn và đang được cơ quan đó lưu giữ, trường hợp thông tin không có sẵn thì cơ quan có trách nhiệm kịp thời hướng dẫn công dân đến cơ quan tạo ra thông tin để yêu cầu cung cấp thông tin.

          Về bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân, để bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân, Dự thảo Luật đã quy định nhiều nội dung về các loại thông tin được tiếp cận, thông tin bị hạn chế tiếp cận; quyền, nghĩa vụ của công dân trong việc tiếp cận thông tin, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc đảm bảo quyền được tiếp cận thông tin của công dân. Tuy nhiên, một số quy định của Dự thảo Luật vẫn còn có sự mâu thuẫn, chưa thống nhất với nhau, chưa đảm bảo một cách tốt nhất cho công dân thực hiện quyền tiếp cận thông tin của mình, cụ thể:

          - Điều 4 Dự thảo Luật quy định mọi công dân đều có quyền tiếp cận thông tin và quy định quyền tiếp cận thông tin đối với người không có hoặc mất năng lực hành vi dân sự; người bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành hình phạt tù, người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc nhưng lại không có quy định về quyền tiếp cận thông tin đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Như vậy là chưa đảm bảo được quyền được tiếp cận thông tin đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, trong một số trường hợp điều này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

  - Theo quy định tại Điều 22 của Dự thảo Luật về việc cung cấp thông tin hạn chế tiếp cận thì “Người đứng đầu hoặc người được ủy quyền của người đứng đầu cơ quan cung cấp thông tin có trách nhiệm xem xét, cân nhắc, quyết định cung cấp đối với thông tin hạn chế tiếp cận trong các trường hợp sau:

+ Việc cung cấp thông tin là cần thiết nhằm bảo vệ lợi ích cộng đồng và lợi ích của việc cung cấp thông tin đem lại cho cộng đồng lớn hơn so với mức độ nguy hại của việc cung cấp thông tin có thể;

+ Việc cung cấp thông tin là cần thiết nhằm bảo vệ tính mạng, sức khoẻ của con người hoặc ngăn ngừa những hậu quả nghiêm trọng có thể phát sinh từ việc không cung cấp thông tin;

+ Việc cung cấp thông tin là cần thiết nhằm giúp cơ quan điều tra, kiểm sát, toà án, thi hành án, thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo làm sáng tỏ sự thật trong quá trình giải quyết vụ việc”. 

          Theo quy định này, thì đối với một số thông tin hạn chế tiếp cận, công dân vẫn có thể tiếp cận và sử dụng thông tin được các cơ quan có thẩm quyền cung cấp vào mục đích của mình đặc biệt là đối những mục đích như bảo vệ tính mạng, sức khoẻ của con người hoặc ngăn ngừa những hậu quả nghiêm trọng có thể phát sinh từ việc không cung cấp thông tin; bảo vệ lợi ích cộng đồng và lợi ích của việc cung cấp thông tin đem lại cho cộng đồng lớn hơn so với mức độ nguy hại của việc cung cấp thông tin có thể.

  Tuy nhiên, Điều 5 của Dự thảo Luật quy định về các nghĩa vụ của công dân trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin lại có quy định “công dân không được tiết lộ các thông tin hạn chế tiếp cận”. Quy định này hoàn toàn mâu thuẫn với quy định của Điều 22 Dự thảo Luật như đã nói ở trên, vì khi công dân được tiếp cận với những thông tin hạn chế tiếp cận theo sự cung cấp của các cơ quan có thẩm quyền và được sử dụng vào các mục đích bảo vệ tính mạng, sức khoẻ của con người, bảo vệ lợi ích cộng đồng nhưng lại không được tiết lộ những thông tin đó thì việc sử dụng thông tin hạn chế tiếp cận của công dân sẽ được thực hiện như thế nào ? Sự mâu thuẫn trong quy định này cũng làm ảnh hưởng đến quyền sử dụng thông tin của công dân.

  - Tại Điều 14 Dự thảo Luật quy định: Thông tin cung cấp theo yêu cầu của công dân là những thông tin không thuộc phạm vi thông tin đang được công bố, công khai và thông tin hạn chế tiếp cận theo quy định của Luật này. Tuy nhiên, như đã phân tích quy định của Điều 22 Dự thảo Luật ở trên thì vẫn có một số thông tin hạn chế tiếp cận mà công dân vẫn có quyền yêu cầu cung cấp và người đứng đầu hoặc người được ủy quyền của người đứng đầu cơ quan cung cấp thông tin có trách nhiệm xem xét, cân nhắc, quyết định việc cung cấp đối với thông tin hạn chế tiếp cận này. Như vậy, việc quy định thông tin cung cấp theo yêu cầu của công dân là những thông tin không thuộc phạm vi thông tin đang được công bố, công khai và thông tin hạn chế tiếp cận theo quy định của Luật này là chưa đầy đủ mà phải quy định “Thông tin cung cấp theo yêu cầu của công dân là những thông tin không thuộc phạm vi thông tin đang được công bố, công khai và thông tin hạn chế tiếp cận theo quy định của Luật này, trừ những trường hợp thông tin hạn chế tiếp cận được cung cấp theo quy định  tại Điều 22 Dự thảo Luật”.

Về giải thích từ ngữ:Đề nghị xem xét lại đối với giải thích từ ngữ về từ tiếp cận thông tin, vì Dự thảo Luật quy định “Tiếp cận thông tin là việc đọc, xem, nghe, ghi chép, sao chép chụp, trích dẫn và sử dụng thông tin”, cách giải thích như vậy đã bao hàm trong việc tiếp cận thông tin là sử dụng thông tin và trích dẫn thông tin trong quá trình sử dụng là không đảm bảo thống nhất và hợp lý giữa ngoại diê và nội hàm của khái niệm.

Ngoài ra, đối với giải thích từ ngữ “Cung cấp thông tin”, Dự thảo Luật đã giải thích khái niệm này một cách lòng vòng, chưa chuẩn xác; “Cung cấp thông tin là việc cơ quan nhà nước công bố, công khai thông tin hoặc cung cấp thông tin theo yêu cầu của công dân”. Đề nghị nên chỉnh sửa quy định này thành “Cung cấp thông tin là việc cơ quan nhà nước công bố, công khai thông tin theo quy định pháp luật hoặc theo yêu cầu của công dân” cho rõ nghĩa./.

Tác giả bài viết: Hồ Mỹ Ngọc Chân

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây