Dự thảo Pháp lệnh Đào tạo một số chức danh tư pháp được xây dựng nhằm tạo cơ sở pháp lý thống nhất để điều chỉnh hoạt động đào tạo nghiệp vụ xét xử, nghiệp vụ kiểm sát viên, nghề luật sư, thiết lập các tiêu chuẩn chung về điều kiện tổ chức hoạt động đào tạo, chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên và các nguồn lực khác, đảm bảo cho hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp tại các cơ sở đào tạo khác nhau được thực hiện một cách đồng bộ, thống nhất, góp phần đảm bảo và không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao của các cơ quan tư pháp và bổ tư pháp ở nước ta hiện nay và trong thời gian tới.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung góp ý các vấn đề cần xin ý kiến của Dự thảo, trong đó, đa số ý kiến của các đại biểu đề nghị:
Một là, điều chỉnh tên gọi của dự thảo Pháp lệnh từ Pháp lệnh Đào tạo một số chức danh tư pháp thành Pháp lệnh Đào tạo Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư nhằm xác định rõ, cụ thể ba chức danh thuộc phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư.
Hai là, hoạt động đào tạo nghiệp vụ xét xử, nghiệp vụ kiểm sát, nghề luật sư có nhiều đặc thù so với các loại hình đào tạo khác nên đề nghị Dự thảo Pháp lệnh cần quy định chính sách khuyến khích riêng áp dụng đối với giảng viên, học viên và cơ sở đào tạo các chức danh này, đặc biệt là việc Nhà nước hỗ trợ chi phí đào tạo để thu hút được những người giỏi (giảng viên và học viên) tham gia các chương trình đào tạo, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cung cấp cho các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp.
Ba là, thống nhất nên quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước của Chính phủ và các bộ, ngành đối với hoạt động đào tạo Thẩm phán, Kiển sát viên, Luật sư. Trong đó, Chính phủ thống nhất đầu mối quản lý nhà nước đối với hoạt động đào tạo nghiệp vụ xét xử, nghiệp vụ kiểm sát, nghề luật sư. Quy định như vậy, sẽ đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật hiện hành về trách nhiệm quản lý nhà nước của Chính phủ đối với hoạt động giáo dục đào tạo đã được quy định trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật khác. Đồng thời, phải có quy định cụ thể trách nhiệm của từng bộ, ngành có liên quan trực tiếp đến công tác đào tạo và quy định về cơ chế phối hợp liên ngành trong đào tạo, trong đó đặc biệt chú trọng việc thành lập và hoạt động của Hội đồng phối hợp liên ngành đào tạo Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ đổi mới chất lượng đào tạo theo chủ trương cải cách tư pháp.
Ngoài ra, các đại biểu cũng đã tham gia nhiều ý kiến về yêu cầu, điều kiện của Giảng viên, học viên; mô hình đào tạo, thời gian đào tạo, nội dung chương trình đào tạo, chứng chỉ đào tạo,.... Ý kiến góp ý của các đại biểu sẽ được tổng hợp và phản ánh đầy đủ trong Báo cáo kết quả góp ý Dự án Pháp lệnh Đào tạo một số chức danh tư pháp của Ủy ban nhân dân tỉnh./.
Tác giả bài viết: N.C