Sau khi Ủy ban thường vụ Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định đã xác định việc tổ chức lấy ý kiến của Nhân dân về Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) là nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ của Nhân dân trong việc góp ý vào nội dung dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), bảo đảm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ổn định môi trường pháp lý cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống của Nhân dân. Xuất phát từ nhận thức về tầm quan trọng đó, cấp ủy, chính quyền, các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh Bình Định đã nghiêm túc triển khai các văn bản chỉ đạo của Trung ương.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, thời gian qua, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định đã chủ trì, phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân - Đoàn đại biểu Quốc hội - Ủy ban Mặt trận Tổ quốcViệt Nam tỉnhtổ chức lấy ý kiến và chỉ đạo các sở ban, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địabàn tỉnh về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi).Tính đến ngày 05/4/2015 (thời hạn chót lấy ý kiến theo Kế hoạch), đã có 49 sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị cấp tỉnh tổ chức Hội nghị, hội thảo lấy ý kiến với tổng số 69.235 lượt ý kiến tham gia và 10/11 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh tổ chức lấy ý kiến đóng góp dự thảo Bộ Luật Dân sự (sửa đổi) đã gửi báo cáo tổng hợp về Sở Tư pháp. Kết quả, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 1.996.522 lượt ý kiến các tầng lớp Nhân dân tham gia vào dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) (kể cả ý kiến tham gia của cấp xã bằng hình thức phiếu xin ý kiến Nhân dân theo phương pháp lựa chọn các Phương án theo hướng dẫn của Ban soạn thảo). Nội dung tham gia chủ yếu vào bố cục, kỹ thuật trình bày, ngôn ngữ, văn phong của dự thảo, trong đó tập trung vào 10 nội dung trọng tâm cần lấy ý kiến và 6 vấn đề còn có ý kiến khác nhau trong dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi).
Nhìn chung công tác triển khai thực hiện việc tổ chức lấy ý kiến tham gia góp ý dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) trên địa bàn tỉnh Bình Định đã được các cấp, các ngành quán triệt và thực hiện nghiêm túc, tạo điều kiện thuận lợi để toàn thể nhân dân góp ý kiến vào dự thảo với những nội dung mà Ban soạn thảo hướng dẫn. Đồng thời lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức, đơn vị thuộc cấp mình quản lý, bám sát các nghị quyết, kế hoạch của Trung ương và Ủy ban nhân dân tỉnh đã hướng dẫn để tổ chức triển khai với các hình thức phù hợp với tình hình thực tế. Các Cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể đã tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quá trình lấy ý kiến; chỉ đạo tập hợp, xây dựng báo cáo kịp thời, chính xác ý kiến đóng góp của Nhân dân. Công tác triển khai tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) trên địa bàn tỉnh Bình Định được tiến hành khẩn trương, nghiêm túc, đúng tiến độ, mục đích, ý nghĩa và các nội dung định hướng mà các cơ quan có thẩm quyền của Trung ương đã hướng dẫn.
Việc lấy ý kiến tham gia dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) trên địa bàn tỉnh Bình Định đã được tiến hành một cách khoa học với nhiều hình thức, phương pháp sáng tạo nên đã tập hợp được đại đa số quần chúng Nhân dân tham gia một cách dân chủ, thiết thực với tinh thần trách nhiệm cao. Các cá nhân, tổ chức đã tham gia góp ý trên tinh thần tích cực, xây dựng, mang tính phản biện cao, tập trung kịp thời, đầy đủ tâm huyết, trí tuệ của các tầng lớp nhân dân để nhằm hoàn thiện để Bộ luật Dân sự thực sự trở thành đạo luật gốc của Nhà nước trong lĩnh vực dân sự.
Qua kết quả thực hiện cho thấy, việc triển khai lấy ý kiến của các ngành, các cấp và Nhân dân đối với dự thảo dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) trên địa bàn Bình Định đạt được nhiều kết quả khả quan, phản ánh tính chất dân chủ, khách quan trong việc xây dựng pháp luật để làm cơ sở cho Quốc hội chính thức thông qua, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế và mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN./.
Tác giả bài viết: Lê Kim Chinh