Xuất phát từ tầm quan trọng đó, từ năm 1996 đến nay, Quốc hội đã ban hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2002; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004 và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008. Đây là các cơ chế pháp lý quan trọng làm cơ sở cho việc xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, các luật này vẫn chưa giải quyết được những mâu thuẫn, bất cập đặt ra về thẩm quyền và quá trình lập pháp, lập quy của các cơ quan được trao quyền ban hành văn bản cũng như có 2 văn bản luật cùng quy định, điều chỉnh một vấn đề có nội dung như nhau nên tạo tạo ra sự chồng chéo, cồng kềnh của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung và hợp nhất các văn bản luật quy định về nội dung liên quan đến việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật là một giải pháp cần thiết đặt ra trong giai đoạn hiện nay.
Trước đòi hỏi của thực tiễn, hiện nay Quốc hội Khóa XIII đang dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới. Tuy nhiên, dự thảo của Luật này vẫn bộc lộ những bất cập, không phù hợp với yêu cầu thực tiễn xã hội trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có vấn đề thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền cấp xã.
Theo dự thảo của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về hệ thống và thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì cơ bản nội dung dự thảo vẫn kế thừa các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004 và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 là có 14 loại văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan có thẩm quyền ban hành. Điểm mới cơ bản của nội dung này là dự thảo Luật không quy định thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền cấp xã. Lý do không được pháp luật trao thẩm quyền này là vì đây là cấp cơ sở có trách nhiệm triển khai thực hiện pháp luật, do đó không nên giao cho cấp này thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Hơn nữa, qua khảo sát thực tế cho thấy, mặc dù Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004 giao cho chính quyền cấp xã ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhưng thực tiễn cho thấy, có nhiều văn bản quy phạm pháp luật được ban hành chỉ mang tính chất sao chép lại văn bản của cơ quan Nhà nước cấp trên, thậm chí không đúng với văn bản của cơ quan cấp trên.
Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị dự thảo của Luật cần quy định thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền cấp xã. Bởi vì, về cấu trúc hệ thống các cơ quan Nhà nước thì các cơ quan này vẫn là một bộ phận cấu thành của bộ máy Nhà nước và thực hiện chức năng quyền lực, chức năng quản lý Nhà nước ở địa phương. Nếu các chủ thể này không có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì các cơ quan này thực hiện chức năng quản lý Nhà nước, điều hành xã hội bằng hình thức như thế nào cho phù hợp với điều kiện đặc thù của địa phương. Mặt khác, thực tiễn xã hội thì các cơ quan này vẫn có nhu cầu ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong quá trình hoạt động. Thẩm quyền này là hoàn toàn phù hợp với quan điểm “đã là cơ quan quyền lực Nhà nước, được giao quản lý Nhà nước theo đơn vị hành chính lãnh thổ đều có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật”. Vì vậy, cần phải bổ sung cho đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật cũng như phù hợp với yêu cầu thực tế nhưng Luật cần quy định định các văn bản của chính quyền cấp xã chỉ có tính chất là tổ chức thực hiện nhiệm vụ của cấp trên để đảm bảo phù hợp với tình hình của mỗi địa phương, cơ sở bảo đảm hợp Hiến, hợp pháp. Còn vấn đề các văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền cấp xã được ban hành chỉ có tính chất sao chép lại văn bản của cơ quan Nhà nước cấp trên, thậm chí không đúng với văn bản của cơ quan cấp trên là vấn đề chỉ mang tính chất thuần túy về kỹ thuật, nghiệp vụ xây dựng và soạn thảo văn bản, không liên quan gì đến nguyên tắc tổ chức, hoạt động và nhu cầu quản lý, điều hành của chính quyền cấp xã theo quy định. Thậm chí, nhiều quan điểm còn cho rằng, nếu dự thảo của Luật quy định chính quyền địa phương cấp xã không được ban hành văn bản quy phạm pháp luật là triệt tiêu năng lực tự quản của chính quyền cơ sở.
Từ nội dung phân tích như trên, hy vọng rằng dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần bổ sung quy định chính quyền cấp xã vẫn có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của mình. Đồng thời, phát huy tốt vai trò của chính quyền cơ sở trong việc quản lý nhà nước, điều hành xã hội./.
Tác giả bài viết: Lê Kim Chinh