Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) được đưa ra lấy ý kiến nhân dân lần này gồm 712 điều, được bố cục thành 6 phần, 26 chương, so với Bộ luật Dân sự năm 2005, dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) giữ nguyên 265 điều, sửa đổi 298 điều, bổ sung 176 điều, bãi bỏ 147 điều, trong đó có 10 nhóm vấn đề trọng tâm cần xin ý kiến, đặc biệt là các vấn đề liên quan trực tiếp tới nhân dân, địa phương. Hội nghị tập trung thảo luận các nội dung: Góp ý đối với toàn bộ dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi), gồm: Quy định chung; Quyền sở hữu và các vật quyền khác; Nghĩa vụ và hợp đồng; Thừa kế; Pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài; Điều khoản thi hành; Kỹ thuật trình bày các quy định của Bộ luật dân sự. Trong đó, tập trung vào 10 vấn đề trọng tâm được xác là: Về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự; về quyền nhân thân; về chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự; về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức; về bảo vệ người thứ ba ngay tình trong trường hợp giao dịch dân sự bị vô hiệu; về hình thức sở hữu; về thời điểm xác lập quyền sở hữu và các vật quyền khác; về điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi; về lãi suất trong hợp đồng vay tài sản; về thời hiệu.
Ngoài ra, các đại biểu cũng có ý kiến tham gia sâu về những nội dung liên quan trực tiếp đến phạm vi, lĩnh vực hoạt động của cơ quan, đơn vị; những vấn đề liên quan trực tiếp đến đặc thù phát triển kinh tế - xã hội, phong tục, tập quán ở xã, huyện, tỉnh và những vấn đề mà các đại biểu quan tâm.
Hội nghị lấy kiến tham gia dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) được tiến hành theo pháp các đại biểu tham dự trình bày tham luận với nội dung đã được tổng hợp trên cơ sở ý kiến tham gia của các cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân đã được tổ chức lấy ý kiến tại từng cơ quan, đơn vị. Tại Hội nghị 10 đơn vị đã trình bày tham luận gồm: Ban Dân vận Tỉnh ủy (đại diện cho Khối các cơ quan Đảng), Tòa án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh (đại diện cho Khối các cơ quan tiến hành tố tụng), Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh (đại diện cho Khối Mặt trận và các tổ chức, đoàn thể), Tổng Công ty sản xuất đầu tư dịch vụ xuất nhập khẩu Bình Định (PISICO) (đại diện cho Khối doanh nghiệp), Trường Đại học Quy Nhơn (đại diện cho Khối các Trường Đại học); Trường Cao đẳng Bình Định (đại diện cho Khối các Trường Cao đẳng), Ủy ban nhân dân thành phố Quy Nhơn, Ủy ban nhân dân huyện Hoài Nhơn, Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Thạnh (đại diện cho Khối cơ quan Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp). Còn lại 5 đơn vị: Liên minh Hợp tác xã tỉnh Bình Định (đại diện cho các tổ chức xã hội - nghề nghiệp); Liên hiệp các Hội khoa học - Kỹ thuật tỉnh (đại diện các chuyên gia, nhà khoa học), Sở Tài nguyên và Môi trưởng (đại diện cho Khối sở, ngành), Ban Dân tộc Hội đồng nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân xã Mỹ Hiệp - huyện Phù Mỹ (đại diện cho Khối cơ quan Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp) có báo cáo tham luận gửi Ban Tổ chức. Đối với các đại biểu không trình bày tham luận thì tham gia góp ý trực tiếp hoặc gửi ý kiến tham gia đã chuẩn bị cho Ban Tổ chức Hội nghị từng nội dung mà đại biểu đã quan tâm để Tổ Thư ký thống kê, tổng hợp theo quy định.
Nhìn chung, các tham luận và ý kiến tham gia của các đại biểu tham dự Hội nghị đều phù hợp với nội dung cần lấy ý kiến mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh đã hướng dẫn, yêu cầu. Các ý kiến tham gia đều thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm trong việc xây dựng pháp luật. Việc tham gia thể hiện rõ ràng vào từng điều, khoản của Dự thảo, đề xuất phương án sửa đổi cụ thể, có phân tích, đánh giá, so sánh các quy định của dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) với các ngành luật khác trong hệ thống pháp luật nhằm đảm bảo tính thống nhất, tương thích giữa các ngành luật với nhau. Đặc biệt, nhiều ý kiến nêu ra vấn đề và có phân tích, liên hệ với thực tế, tạo không khí thảo luận sổi nổi nên Hội nghị đã tập hợp nhiều ý kiến đóng góp thiết thực từ các nhà nghiên cứu cũng như những người làm công tác thực tiễn./.
Tác giả bài viết: Lê Kim Chinh