Nội dung tham gia góp ý Dự thảo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân

Thứ tư - 06/10/2021 17:37 463 0
Nhằm đảm bảo dự án Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân sau khi được Quốc hội thông qua và đưa vào áp dụng trong thực tiễn mang tính khả thi, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp trong giai đoạn hiện nay. Qua nghiên cứu dự thảo, đề nghị cơ quan soạn thảo cần quy định bổ sung, làm rõ một số nội dung của Luật này với các vấn đề sau:

1.Đề nghị nên quy định cụ thể, rõ ràng hơn về chủ thể của hoạt động giám sát làm cơ sở để xác định rõ chức năng, thẩm quyền và vai trò trong hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thương vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Đại biểu HĐND nhằm tránh việc quy định chồng chéo, trùng lắp chức năng giám sát.

2.Về tính khả thi của Luật. Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc tính khả thi của Luật. Bởi vì, theo dự thảo thì các chủ thể có thẩm quyền thực hiện chức năng giám sát được quy định tại Điều 5, Điều 6 của dự thảo thì các chủ thể này có chức năng giám sát văn bản pháp luật và việc thi hành văn bản pháp luật. Tuy nhiên, hiện nay khái niệm văn bản pháp luật chưa có tiêu chí xác định cụ thể. Theo dự thảo của Luật Ban hành quyết định hành chính và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (hợp nhất) thì khái niệm văn bản pháp luật có phạm vi rất rộng bao gồm cả văn bản áp dụng pháp luật (cá biệt) và văn bản quy phạm pháp luật. Với phạm vi là giám sát văn bản pháp luật và thi hành văn bản pháp luật thì các chủ thể khó thực hiện vì số lượng văn bản áp dụng pháp luật rất nhiều nên phạm vi giám sát này không đảm bảo tính khả thi. Vì vậy, đề nghị cân nhắc thu hẹp phạm vi giám sát cho đảm bảo tính khả thi và phù hợp với thực tiễn.

3.Dự thảo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân nên có nhiều điều, khoản chỉ mang tính chất định tính như khi xét thấy cần thiết, trong trường hợp cần thiết mà không có giải thích cụ thể  về định lượng. Vì vậy, đề nghị cần quy định rõ định lượng của quy định này để xác định rõ trường hợp phạm vi, đối tượng, tính chất khi thực hiện hoạt động giám sát nhằm thống nhất cách hiểu, nguyên tắc áp dụng, tránh việc áp dụng tùy nghi trong thực tiễn.

4.Đề nghị Ban soạn thảo nên nghiên cứu bổ sung thêm cơ chế quy định trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền giám sát trong việc đưa ra báo cáo, kết luận, kiến nghị sai sự thật hoặc phản ảnh thiếu chính xác, không khách quan những vấn đề nội dung được giám sát. Nhằm tạo sự bình đẳng giữa chủ thể giám sát và chủ thể được giám sát. Đồng thời đề nghị bổ sung quy định trong dự thảo Luật này về cơ chế đảm bảo các điều kiện cho hoạt động giám sát như: về tổ chức triển khai thực hiện văn bản, phương tiện, nguồn nhân lực để thực hiện hoạt động giám của Quốc hội và Hội đồng nhân dân mà trong dự thảo Luật này quy định còn chung chung, không rõ ràng, cụ thể.

5.Về quy định thẩm quyền, cơ chế xử lý văn bản trái pháp luật của các chủ thể thông qua hoạt động giám sát thì dự thảo Luật chỉ đề cập đến thẩm quyền bãi bỏ các văn bản trái pháp luật này mà không đề cập đế các biện pháp xử lý khác theo quy định chuyên ngành về trình tự, thủ tục xử lý văn bản. Vì vậy, đề nghị dự thảo Luật bổ sung thêm cơ chế xử lý các văn bản có dấu hiệu trái pháp luật của các chủ thể thông qua hoạt động giám sát như sau: “Kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ các văn bản trái pháp luật. Trường hợp, các cơ quan có thẩm quyền không hủy bỏ thì có quyền bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản trái pháp luật” cho thống nhất, tương thích với trình tự, thủ tục, thẩm quyền xử lý văn bản trái pháp luật theo quy định của pháp luật chuyên ngành về vấn đề này.

6.Về vấn đề thông tin kết quả trả lời chất vấn bằng văn bản. Đề nghị dự thảo Luật cần quy định rõ hơn hình thức, trách nhiệm chuyển tải nội dung trả lời chất vấn đối với các trường hợp bị chất vấn mà không trả lời trực tiếp tại kỳ họp cho nhân dân để nhằm đảm bảo cho tất cả các cử tri, nhân dân biết được nội dung trả lời chất vấn (trừ trường hợp có liên quan đến bí mật nhà nước).

7.Về cơ chế giám sát ở các địa phương không thành lập Hội đồng nhân dân. Hiện nay, một số địa phương đang thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân ở địa phương. Đồng thời, theo dự thảo Luật Chính quyền địa phương thì một số đơn vị không tổ chức Hội đồng nhân dân. Như vậy, trong trường hợp này, ở các địa phương không tổ chức Hội đồng nhân dân thì việc thực hiện chức năng giám sát thuộc phạm vi do Luật này quy định sẽ do chủ thể nào thực hiện, nếu pháp luật không quy định rõ ràng thì việc giám sát ở địa phương đó sẽ bị buông lỏng, còn nếu tổ chức thực hiện thì không có cơ sở pháp lý vì Luật chưa quy định. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc bổ sung quy định cơ chế thực hiện chức năng giám sát đối với các địa phương không tổ chức Hội đồng nhân dân để đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc tổ chức thực hiện trong thực tế./.

Tác giả bài viết: Lê Kim Chinh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây