Cần quy định cụ thể hơn về nguyên tắc áp dụng pháp luật giữa Bộ luật Dân sự và các luật khác có liên quan

Thứ tư - 06/10/2021 17:37 847 0
Trong quá trình quản lý, điều hành xã hội, đối với mỗi quốc gia, ngoài việc phải xây dựng một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh thì vấn đề áp dụng pháp luật có ý nghĩa hết sức quan trọng. Áp dụng pháp luật hiểu nôm na là hình thức thực hiện pháp luật, trong đó nhà nước thông qua cơ quan có thẩm quyền hoặc nhà chức trách tổ chức cho các chủ thể pháp luật thực hiện những qui định pháp luật hoặc chính hành vi của mình căn cứ vào những qui định của pháp luật để ra các quyết định làm phát sinh, thay đổi, đình chỉ hay chấm dứt một quan hệ pháp luật. Nguyên tắc này có ý nghĩa quan trọng là giải quyết những vấn đề vướng mắc hoặc phát sinh xung đột, mâu thuẫn giữa các quy định của pháp luật về một vấn đề cụ thể tại các luật chuyên ngành trong cùng hệ thống pháp luật.

Trong quan hệ dân sự mà nhất các vụ án dân sự, việc xác định quan hệ pháp luật tranh chấp có ý nghĩa quan trọng trong việc áp dụng pháp luật nội dung khi giải quyết yêu cầu của đương sự. Bởi vì, Bộ luật Dân sự với tính chất là luật chung nên nhiều quy định có liên quan đến ngành luật khác trong hệ thống pháp luật. Vì vậy, việc quy định cụ thể nguyên tắc áp dụng pháp luật giữa Bộ luật Dân sự với các ngành luật khác là yêu cầu bắt buộc, là nội dung không thể thiếu từ khi ban hành Pháp lệnh Hợp đồng Dân sự cho đến Bộ luật Dân sự qua các thời kỳ. Hiện nay, nội dung này được quy định tại Điều 10 của Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Theo Dự thảo thì nguyên tắc áp dụng pháp luật giữa Bộ luật Dân sự và các luật khác có liên quanđược xác định như sau:

“1. Bộ luật này là luật chung điều chỉnh các quan hệ dân sự.

2. Các luật có liên quan điều chỉnh quan hệ dân sự trong các lĩnh vực cụ thể không được trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại mục 1 của Chương này; trường hợp các luật có liên quan không quy định thì áp dụng quy định của Bộ luật này”.

Theo Dự thảo nêu trên thì Khoản 1 đã thể hiện rõ ràng, cụ thể vị trí pháp lý của Bộ luật Dân sự trong hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, Khoản 2 của Dự thảo thì chưa quy định đầy đủ các trường hợp phát sinh từ thực tiễn trong việc xây dựng pháp luật, nên các cơ quan có thẩm quyền sẽ gặp vướng mắc, lúng túng trong quá trình áp dụng pháp luật khi giải quyết các vụ việc cụ thể. Theo nội dung tại Khoản 2 của dự thảo thì Bộ luật chỉ quy định 2 vấn đề: Thứ nhất: Các luật có liên quan điều chỉnh quan hệ dân sự trong các lĩnh vực cụ thể không được trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự; Thứ hai: Trường hợp các luật có liên quan không quy định thì áp dụng quy định của Bộ luật này.

Tuy nhiên, thực tế thì trong quá trình xây dựng pháp luật có thể xảy ra trường hợp các luật chuyên ngành quy định trái hoặc không phù hợp với nguyên tắc của Bộ luật Dân sự vì những lý do khách quan khác nhau (chẳng hạn như các luật có nội dung quy định trái hoặc không phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự nhưng được ban hành trước khi  Bộ luật Dân sự có hiệu lực mà chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời…) thì việc áp dụng, giải quyết như thế nào thì Dự thảo Bộ luật chưa quy định rõ. Vì vậy, để khắc phục thiếu sót này và phù hợp với thực tiễn áp dụng pháp luật, đề nghị Dự thảo Bộ luật cần bổ sung xác định rõ nguyên tắc này để trong mọi trường hợp, dù có mâu thuẫn, xung đột giữa các quy định pháp luật thì đều có căn cứ, cơ sở để vận dụng thực hiện. Đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định này như sau: 

“1. Bộ luật này là luật chung điều chỉnh các quan hệ dân sự.

2. Các luật có liên quan điều chỉnh quan hệ dân sự trong các lĩnh vực cụ thể không được trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại mục 1 của Chương này; trường hợp các luật có liên quan không quy định hoặc quy định trái với Bộ luật này thì áp dụng quy định của Bộ luật này”.

Từ những nội dung phân tích trên, đề nghị Ban soạn thảo Dự án Luật cần bổ sung nội dung này để đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và tính đồng bộ, thống nhất của Bộ luật đối với hệ thống pháp luật./.

Tác giả bài viết: Lê Bảo Minh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây