Sở Tư pháp Bình Định: Tổ chức Hội nghị lấy ý kiến Dự án Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân

Thứ tư - 06/10/2021 17:37 93 0
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, ngày 16/3/2015 Sở Tư pháp Bình Định chủ trì tổ chức Hội nghị lấy ý kiến Dự án Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh, Lãnh đạo các phòng nghiệp vụ thuộc Sở Tư pháp.

Tại Hội nghị, các đại biểu thống nhất với nhận định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp trong thời gian qua thì hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân được thực hiện trên cơ sở quy định của Luật Tổ chức Quốc hội năm 2001, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2003, Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003, Nội quy kỳ họp Quốc hội, Quy chế hoạt động của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Quy chế hoạt động của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân.

Sau hơn mười năm thực hiện, hoạt động giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nội dung giám sát khá toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm trong từng thời gian, trong đótập trung vào các lĩnh vực kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước, việc thi hành Hiến pháp,luật, pháp lệnhvà những vấn đề mà thực tiễn cuộc sống đòi hỏi…Hình thức giám sát, phương thức tổ chức hoạt động giám sát được đổi mới theo hướng phát huy dân chủ, nâng cao tính công khai, minh bạch, có sự đóng góp ý kiến của nhân dân, sự tham gia, phối hợp giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận. Hoạt động giám sát đã phát huytính chủ động, tích cực của các cơ quan thực hiện giám sát,bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của đối tượng chịu sự giám sát.Qua giám sát đã đưa ra nhiều kiến nghị đóng góp vào hoạt động lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và của địa phương, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong cơ chế chính sách và quản lý điều hành nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, được dư luận và nhân dân quan tâm, đánh giá cao, qua đó góp phần nâng cao vai trò, uy tín, chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cơ quan dân cử.

 Tuy nhiên, hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân cũng bộc lộ một số mặt hạn chế, khó khăn, như: Một số quy định về nội dung, đối tượng, hình thức giám sát còn trùng lắp, chưa rõ ràng, cụ thể về trình tự, thủ tục thực hiện; chưa phân định rõ về thẩm quyền, trách nhiệm của mỗi chủ thể đối với từng đối tượng chịu sự giám sát; nhiều quy định về hình thức giám sát chưa được thực thi hoặc tính khả thi còn thấp; hoạt động giám sát văn bản pháp luật chưa được thực hiện thường xuyên;… Từ đó, các đại biểu thống nhất cao và đề nghị Quốc hội sớm ban hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân để có cơ chế pháp lý chặt chẽ, rõ ràng, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thực hiện hoạt động giám sát trong thực tiễn.

Dự thảo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân có 4 chương, 90 điều quy định về hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Quốc hội; Hội đồng nhân dân, Thường thực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ Đại biểu Hội đồng nhân dân, Đại biểu Hội đồng nhân dân; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát, cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến hoạt động giám sát. Qua thảo luận, cơ bản các đại biểu đồng thuận, thống nhất cao với nội dung của dự thảo luật. Đồng thời, đóng góp nhiều ý kiến đối với các vấn đề còn có ý kiến khác nhau về hoạt động giám sát đối với văn bản có dấu hiệu trái pháp luật; hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp của Quốc hội, Hội đồng nhân dân; hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn;… Kết luận Hội nghị, Đ/c Trương Đình Hy – Phó Giám đốc thay mặt Lãnh đạo Sở Tư pháp tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu và tổng hợp  các nội dung đại biểu đã tham gia trình Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Thường vụ Quốc hội xem xét trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết nghị tại kỳ họp giữa năm 2015./.

Tác giả bài viết: Kim Chinh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây