Kéo dài thời hiệu về thừa kế là phù hợp với thực tiễn xã hội và đạo lý truyền thống của dân tộc Việt Nam

Thứ tư - 06/10/2021 17:37 348 0
Quyền thừa kế là vấn đề quan trọng trong cuộc sống, vì vậy thực tiễn xã hội hiện nay việc tranh chấp thừa kế phức tạp và dai dẵng hiện đang là vấn đề pháp lý và xã hội đáng quan tâm trong đó có nội dung liên quan đến thời hiệu về thừa kế.

Quy định về thời thiệu thừa kế, Điều 645 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là ba năm, kể từ thời điểm mở thừa kế”.

Như vậy, sau thời hạn 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế (thời điểm người để lại di sản chết), người thừa kế không còn quyền khởi kiện thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác; và sau thời hạn là 3 năm, cá nhân, tổ chức không còn quyền khởi kiện yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại. Từ quy định này của Bộ luật Dân sự, thực tế đang tồn tại một bất cập là có nhiều tài sản thừa kế bị tranh chấp nhưng do hết thời hiệu khởi kiện nên bị “treo” và người thừa kế tài sản không thể đăng ký quyền sở hữu. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như người thừa kế không nắm rõ các quy định của pháp luật về thời hiệu khởi kiện chia thừa kế, xuất phát từ tình cảm gia đình, họ tộc, do điều kiện khách quan…nhưng trong đó có nguyên nhân là xuất phát từ sự ràng buộc về đạo lý, truyền thống của dân tộc Việt Nam. Bởi vì theo đạo lý, truyền thống dân tộc Việt Nam thì con cái không dám yêu cầu chia thừa kế khi cha hoặc mẹ còn sống hoặc cha, mẹ qua đời trong thời gian ngắn vì sợ rạn nứt tình cảm gia đình hoặc dư luận xã hội chê trách khi đề cập đến vấn đề chia thừa kế trong gia đình, dòng họ. Tuy nhiên theo quy định của pháp luật thì việc chia thừa kế phải tuân theo thời hiệu do pháp luật quy định. Chính vì Bộ luật Dân sự hiện hành quy định thời hiệu khởi kiện thừa kế quá ngắn (10 năm) nên buộc các con phải lựa chọn:  Yêu cầu giải quyết thừa kế trong thời hiệu và mang tiếng con, em bất hiếu tranh giành của cải cha mẹ, làm sức mẻ tình cảm gia đình hoặc chấp nhận có thể mất quyền khởi kiện vì hết thời hiệu theo quy định.

Khắc phục những khiếm khuyết này, Điều 646dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) đã đưa ra phương án quy định thời hiệu thừa kế:

“1. Thời hạn yêu cầu Tòa án giải quyết việc thừa kế là ba mươi năm đối với bất động sản, mười năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó.

2. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản theo quy định tại khoản 1 Điều này thì di sản được giải quyết như sau:

a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu hoặc được lợi một cách ngay tình, liên tục, công khai nếu việc chiếm hữu, được lợi phù hợp với quy định tại Điều 177 và Điều 178 của Bộ luật này;

b) Di sản thuộc về Nhà nước nếu không có người khác chiếm hữu hoặc được lợi về di sản theo quy định tại điểm a khoản này”.

Như vậy, thời hạn yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này mà không có yêu cầu chia di sản thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Nếu không có yêu cầu chia và không có người thừa kế đang quản lý di sản thì xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu cho người quản lý ngay tình, liên tục, công khai; nếu việc chiếm hữu không có căn cứ pháp luật, không ngay tình thì di sản thuộc về Nhà nước.

Theo nội dung của dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) về thời hiệu so với quy định hiện hành đã có một sự đổi mới tiến bộ và có thể nói đó là một bước tiến dài trong hoạt động xây dựng pháp luật. Với quy định này, sẽ giải quyết được nhiều vướng mắc trong giải quyết tranh chấp thừa kế hiện nay,đảm bảo sự ổn định về mặt xã hội trước các tranh chấp về di sản. Mặt khác dự thảo cũng đã đề ra được phương án giải quyết hậu quả rất rõ ràng khi thời hiệu khởi kiện đã hết và điều quan trọng là quy định này phù hợp với thực tiễn xã hội và đạo lý, truyền thống của dân tộc Việt Nam trong việc giải quyết các quan hệ xã hội về thừa kế./.

Tác giả bài viết: Lê Bảo Phúc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây