Góp ý Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi): Cần quy định cụ thể hơn đối với việc chuyển giới

Thứ tư - 06/10/2021 17:37 124 0
Triển khai thi hành Hiến pháp về công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, Mục 2, Chương III của Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) bên cạnh việc kế thừa có phát triển các quyền nhân thân được quy định trong Bộ luật Dân sự hiện hành thì Dự thảo đã bổ sung một số quyền nhân thân mới. Không những thế, để bảo đảm tính ổn định, bao quát trong quy định về quyền nhân thân, Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) cũng đã bổ sung nguyên tắc: Ngoài các quyền nhân thân được quy định tại mục này, các quyền con người, quyền nhân thân khác về dân sự đều được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Đặc biệt, Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) có bổ sung quyền xác định lại giới tính của con người. Về vấn đề này, Điều 40 dự thảo quy định Quyền xác định lại giới tính như sau:

“1. Cá nhân là người thành niên có quyền được xác định lại giới tính trong trường hợp luật quy định.

2. Người đại diện theo pháp luật chỉ có quyền yêu cầu xác định lại giới tính của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi trong các trường hợp luật định.

3. Việc xác định lại giới tính được thực hiện theo quy định của luật.

4. Phương án 1:

Nhà nước không thừa nhận việc chuyển giới.

Phương án 2:

Trong trường hợp đặc biệt, việc chuyển giới phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định của luật”.

Như vậy, theo nội dung dự thảo của Bộ luật thì cá nhân là người đã thành niên hoặc người đại diện (trong một số trường hợp đặc biệt) thì được quyền xác định lại giới tính theo quy định của pháp luật. Quy định này là phù hợp với thực tiễn phát sinh của xã hội, đảm bảo được quyền con người đã được Hiến định, nhất là đối với những người bị khiếm khuyết về giới tính. Tuy nhiên, đối với việc chuyển giới tại Khoản 4, Điều 40 của Dự thảo Bộ luật có quy định hai phương án: Phương án 1: “Nhà nước không thừa nhận việc chuyển giới”; Phương án 2: “Trong trường hợp đặc biệt, việc chuyển giới phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định của luật”.

Từ nội dung dự thảo 2 Phương án nêu trên, theo quan điểm của tôi nếu chọn Phương án 1 thì có tính mâu thuẫn, xung đột pháp luật, không đảm bảo tính đồng bộ, tương thích giữa phương án này với Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 của chính Điều 40 của Dự thảo. Bởi vì, tại 3 khoản này của Dự thảo Bộ luật quy định cho phép cá nhân là người thành niên hoặc người đại diện (trong các trường hợp đặc biệt) có quyền được xác định lại giới tính trong trường hợp luật có quy định nhưng lại có Phương án 1 là “Nhà nước không thừa nhận việc chuyển giới”, bởi nếu cho phép xác định lại giới tính đương nhiên phải bỏ Phương án 1. Thực tế xã hội hiện nay và kỹ thuật y học thì việc chuyển giới được coi là biện pháp, một công đoạn kỹ thuật can thiệp để chữa trị những trường hợp bị khiếm khuyết về giới tính; chuyển giới được áp dụng đối với trường hợp hình dạng là nam nhưng tâm lý và tình cảm là nữ (hoặc ngược lại). Vấn đề này khác với việc đổi giới (nam chuyển sang nữ hoặc ngược lại) vì mục đích khác thì việc đổi giới trong trường hợp này là trái quy định của pháp luật. Vì vậy, cần loại bỏ Phương án 1, lựa chọn quy định cho phép chuyển giới như Phương án 2 của Dự thảo là phù hợp hơn.

Tuy nhiên, khi lựa chọn Phương án 2 cho phép chuyển đổi giới tính nhằm xác định lại giới tính của con người thì Dự thảo cần bổ sung quy định rõ hơn các trường hợp được phép chuyển đổi giới tính do khiếm khuyết về hình thể hoặc do khiếm khuyết về tâm, sinh lý. Cụ thể là cần quy định rõ những người cần xác định lại giới tính có thể thuộc 3 trường hợp gồm những người có khiếm khuyết về thể chất (sinh ra không rõ giới tính nào), những người có khiếm khuyết về tinh thần (hình dạng là nam nhưng tâm lý, tình cảm thì là nữ và ngược lại) và những người không có bất kỳ khiếm khuyết nào. Trên cơ sở đó, cần phân thành ba mức độ khác nhau để có những quy định về quyền xác định lại giới tính, chuyển giới cho phù hợp, tránh trường hợp trong thực tiễn phát sinh việc lợi dụng quy định này thực hiện việc xác định lại giới tính, chuyển giới để thực hiện các hành vi trái pháp luật./.

Tác giả bài viết: Lê Kim Chinh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây