Góp ý Dự thảo BLDS (sửa đổi): Về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự

Thứ tư - 06/10/2021 17:37 103 0
Vấn đề trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự BLDS hiện hành quy định nguyên tắc tất cả các quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ (Điều 9) nhưng chưa quy định cụ thể trách nhiệm của Tòa án, cơ quan có thẩm quyền khác trong việc thụ lý, giải quyết vụ, việc dân sự trong trường hợp chưa có quy định của pháp luật về vụ, việc dân sự đó. Để khắc phục khiếm khuyết này, dự thảo BLDS (sửa đổi) bổ sung Điều 19, theo đó, Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Trong trường hợp này, Tòa án căn cứ vào tập quán (Điều 11), nguyên tắc áp dụng pháp luật tương tự, các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và lẽ công bằng (Điều 12) để xem xét, giải quyết. Về vấn đề này, hiện có hai loại ý kiến khác nhau:

Loại ý kiến thứ nhất:Nhất trí với quy định của dự thảo vì các lý do:Thứ nhất, quy định như dự thảo BLDS (sửa đổi) sẽ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân một cách kịp thời và triệt để hơn vì Tòa án có trách nhiệm xem xét, giải quyết mọi tranh chấp dân sự, kể cả trong trường hợp không có luật điều chỉnh; Thứ hai, quy định như dự thảo BLDS (sửa đổi) là nhằm triển khai thi hành một cách triệt để quy định tại Khoản 3, Điều 102 Hiến pháp năm 2013, theo đó, “Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”; Thứ ba, về kinh nghiệm quốc tế, ở nhiều nước cũng quy định Thẩm phán  không được từ chối giải quyết các vụ, việc dân sự kể cả trong trường hợp chưa có quy định của luật.

Loại ý kiến thứ hai:Không nhất trí như dự thảo và đề nghị không quy định vấn đề này trong BLDS (sửa đổi) vì các lý do: Thứ nhất, để Tòa án có thể giải quyết tất cả các tranh chấp dân sự, kể cả trong trường hợp không có luật thì cần giao cho Tòa án quyền “giải thích pháp luật”. Theo đó, trong trường hợp không có luật thì Thẩm phán, Hội thẩm căn cứ các nguyên tắc chung của pháp luật, niềm tin nội tâm và lẽ công bằng để đưa ra phán quyết. Các khái niệm này lại quá trừu tượng, không có tiêu chí rõ ràng; đồng thời Hiến pháp và Luật Tổ chức TAND không trao quyền giải thích pháp luật (theo nghĩa rộng như trên) cho Tòa án; Thứ hai, Khoản 2, Điều 103 Hiến pháp năm 2013 quy định, Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Việc quy định Thẩm phán và Hội thẩm phải đưa ra phán quyết kể cả trong trường hợp không có luật là chưa phù hợp với Hiến pháp; Thứ ba, quy định này thiếu tính khả thi vì việc thực hiện trên thực tế đòi hỏi Thẩm phán, Hội thẩm phải được đào tạo một cách bài bản về nghiệp vụ, kỹ năng giải thích pháp luật; Thứ tư, quy định này liên quan đến thẩm quyền, trách nhiệm của Tòa án, cần nghiên cứu để nếu cần thiết thì quy định trong Luật Tổ chức TAND hoặc Bộ luật Tố tụng dân sự.

Từ 2 quan điểm trên, quan điểm của người viết thì cần chọn loại ý kiến thứ hai là phù hợp hơn với thực tiễn xã hội của Việt Nam. Bởi vì, ngoài những nội dung mà các nhà khoa học đã nêu lý do mang tính thuyết phục cao tại loại ý kiến thứ hai thì ta biết rằng: Thực tiễn ở Việt Nam là đất nước có 54 dân tộc khác nhau, xuất phát từ các vùng miền khác nhau nên mỗi dân tộc, mỗi vùng miền đều có những phong tục tập quán, truyền thống khác nhau. Do đó, nếu dự thảo BLDS có quy định Tòa án căn cứ vào tập quán (Điều 11) để xem xét giải quyết mọi tranh chấp dân sự kể cả trong trường hợp chưa có quy định của pháp luật về vụ, việc dân sự đó là không phù hợp với thực tiễn vì hiện nay chưa có quy định cụ thể tập quán nào là tập quán tiến bộ, mang tính tính cực cần phải phát huy. Mặt khác, một vấn đề đặt ra đối với hệ thống pháp luật của quốc gia là pháp luật phải đảm bảo tính hợp hiến thì quy định này cũng không phù hợp, vì Điều 14 Hiến pháp quy định rõ mang tính nguyên tắc là: Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”.Xuất phát từ nội dung này thì nguyên lý áp dụng pháp luật là: nếu chưa có pháp luật quy định thì chưa có cơ sở pháp lý để áp dụng và giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn để đảm bảo các quyền về dân sự nói riêng và các quyền khác của con người, của công dân. Hơn nữa, theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự thì vụ việc dân sự được giải quyết trên cơ sở các quy định của pháp luật và đánh giá chứng cứ do các đương sự cung cấp theo ý chí chủ quan của người giải quyết là các Thẩm phán. Nếu áp dụng theo nguyên tắc “tập quán” hoặc “tương tự” thì rất dễ xảy ra tình trạng áp dụng, vận dụng tùy nghi theo ý chí chủ quan của người trực tiếp giải quyết. Từ đó, nảy sinh thêm tính chất phức tạp của việc áp dụng pháp luật.

Vì vậy, cần lựa chọn loại ý kiến thứ hai nghĩa là không quy định vấn đề này trong BLDS (sửa đổi). Còn vấn đề bảo đảm các quyền dân sự của con người, công dân trong trường hợp pháp luật chưa quy định thì cơ quan có thẩm quyền cần phải tăng cường công tác xây dựng pháp luật để làm cơ sở pháp lý cho việc giải quyết các vụ, việc dân sự. Có như thế mới phù hợp với bản chất Nhà nước pháp quyền XHCN mà chúng ta đa tập trung xây dựng. Đó là: Tất cả mọi vấn đề về tổ chức, hoạt động, quan hệ xã hội phải dựa trên cơ sở là các quy định của pháp luật để giải quyết thì mới đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp./.

Tác giả bài viết: Lê Kim Chinh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây