Công tác xây dựng pháp luật:Dự thảo, tham mưu Lãnh đạo Sở trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành 08 văn bản pháp luật. Trong đó: 02 văn bản quy phạm pháp luật là: Quyết định số 09/2014/QĐ-UBND sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Bình Định ban hành kèm theo Quyết định số 19/2012/QĐ-UBND ngày 22/6/2012 trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 11/2014/QĐ-UBND Ban hành Quy định thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế, quản lý và sử dụng viên chức đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Tư pháp và 06 văn bản pháp luậtthuộc các lĩnh vực do Sở Tư pháp giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước.
Xây dựng, tham mưu Lãnh đạo Sở ban hành 04 văn bản.Giúp Lãnh đạo Sở xây dựng, hoàn chỉnh 02 Đề án trình Ủy ban nhân dân tỉnh: Đề án thành lập phòng nghiệp vụ: Phòng Xây dựng, Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và Phòng Theo dõi thi hành pháp luật, quản lý công tác xử lý vi phạm hành chính thuộc Sở Tư pháp; Đề án nâng cao chất lượng công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Thực hiện thẩm định theo quy định tại Điều 24, Điều 38 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004 với tổng số 47 văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh (tăng 30% so với cùng kỳ năm trước), trong đó có 11 Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, 33 Quyết định và 03 Chỉ thị của Ủy ban nhân dân tỉnh. Tham gia góp ý 56 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo đề nghị của các cơ quan ở Trung ương và địa phương.
Công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật:Tiến hành kiểm tra công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thị xã An Nhơn, huyện Hoài Ân ban hành trong 2 năm 2012 - 2013 với tổng số 7.833 văn bản pháp luật, trong đó có 83 văn bản quy phạm pháp luật. Tiến hành kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố gửi đến với tổng số 79 Nghị quyết. Thực hiện công tác tự kiểm tra 323 văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh.
Qua kiểm tra và tự kiểm tra đã phát hiện một số văn bản có sai sót về hình thức, nội dung, trên cơ sở đó đề xuất Lãnh đạo Sở kiến nghị Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh và thông báo Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn chấn chỉnh, khắc phục và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Kết quả các cơ quan đã xử lý kịp thời các văn bản có sai sót theo đề nghị và thông báo của Sở Tư pháp.
Công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật: Tham mưu Lãnh đạo Sở thực hiện, hoàn thành công tác tổng rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2008 - 2013 theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Tư pháp với tổng số văn bản được rà soát là 455 văn bản. Trong đó: 156 Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh; 293 Quyết định và 06 Chỉ thị của Ủy ban nhân dân tỉnh. Kết quả thực hiện đã báo cáo Bộ Tư pháp và trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2008-2013 gồm: 127 văn bản hết hiệu lực toàn bộ, 33 văn bản hết hiệu lực một phần và 328 văn bản còn hiệu lực thi hành.
Ngoài ra, Phòng đã tổ chức thực hiện rà soát, hệ thống hóa chuyên đề các văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành trên một số lĩnh vực theo yêu cầu của Bộ Tư pháp và các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương như: Rà soát tính hợp hiến các văn bản theo Hiến pháp năm 2013; về quyền của một số nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, về kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh, đấu giá tài sản và đấu giá quyền sử dụng đất.
Công tác pháp chế: Phòng đã tham mưu cho Giám đốc Sở xây dựng, hoàn chỉnh Đề án và trình Ủy ban nhân dân tỉnh ký ban hành Đề án thành lập Phòng Pháp chế và củng cố, kiện toàn tổ chức pháp chế ở các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh và các doanh nghiệp Nhà nước (do địa phương quản lý) trên địa bàn tỉnh Bình Định; Phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ pháp chế năm 2014 cho các tỉnh, thành phố khu vực Nam Trung Bộ và Tây nguyên.
Công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật: Với trách nhiệm được giaoPhòng đã giúp Đoàn kiểm tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật của tỉnh thực hiện 02 hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính; lĩnh vực an toàn thực phẩm theo chuỗi sản phẩm rau, củ, quả và chètại 06 xã, thị trấn và 03 huyện. Tham mưu giúp Lãnh đạo Sở trình Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2014, đề xuất, kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Tư pháp và các cơ quan có thẩm quyền xử lý những bất cập, hạn chế, vướng mắc trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và an toàn thực phẩm theo chuỗi sản phẩm rau, củ, quả và chè.
Công tác tham mưu quản lý công tác thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính: Xây dựng và tham mưu Giám đốc Sở trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh; nhận, kiểm tra, phân loại các Quyết định xử lý vi phạm hành chính do các cơ quan có thẩm quyền xử phạt gửi đến. Theo số liệu báo cáo của các cơ quan, đơn vị thì từ ngày 01/10/2013 đến ngày 30/9/2014 trên địa bàn tỉnh, các chức danh có thẩm quyền đã ban hành 78.814 Quyết định xử phạt với tổng số tiền xử phạt là 100.795.407.592 đồng (Một trăm tỉ bảy trăm chín mươi lăm triệu bốn trăm lẻ bảy nghìn năm trăm chín mươi hai đồng). Đồng thời, tiến hành hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các cán bộ, công chức làm theo dõi và tham mưu cho lãnh đạo các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện về công tác xử lý vi phạm hành chính.
Đạt được kết quả tích cực như đã nêu trên, Phòng Văn bản pháp quy đã đề ra các biện pháp, giải pháp phù hợp để tổ chức thực hiện trong quá trình hoạt động. Cụ thể:
Để đảm bảo nguồn nhân lực thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chuyên môn của Phòng, Lãnh đạo Phòng đã đề nghị Lãnh đạo Sở bổ sung thêm nhân sự (từ 01 - 02 biên chế) cho Phòng Văn bản pháp quy và đã được bổ sung thêm 01 biên chế. Đồng thời, Phòng đã tham mưu cho Lãnh đạo Sở xây dựng và trình Ủy ban nhân dân tỉnh Đề án tách Phòng Văn bản pháp quy thành 02 phòng là Phòng Xây dựng, kiểm tra văn bản; Phòng theo dõi thi hành pháp luật và quản lý công tác xử lý vi phạm hành chính. Qua kết quả làm việc giữa Lãnh đạo Sở Tư pháp và Lãnh đạo Sở Nội vụ trong năm 2015 và 2016 Phòng sẽ được bổ sung thêm 02 biên chế để đảm bảo về cơ cấu, tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực thực hiện có chất lượng, hiệu quả tất cả các mặt công tác của Phòng.
Công tác tham gia góp ý, thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được tiến hành nhanh chóng, đảm bảo về tiến độ và có sự đầu tư, chú trọng về chất lượng góp ý, thẩm định, góp phần nâng cao hiệu quả công tác xây dựng thể chế của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh.
Công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật có sự đổi mới trong cách thức tổ chức thực hiện mang tính toàn diện và có hệ thống hơn, đẩy mạnh việc kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố ban hành. Công tác tự kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật tiến hành thường xuyên, chủ động và kịp thời kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền xử lý các văn bản có mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh chính trị, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh, góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Trong công tác pháp chế, Phòng chú trọng nhiệm vụ tiếp tục hoàn thiện về cơ cấu tổ chức và nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác chế tại các sở, ngành thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định của Nghị địnhsố 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2001 của Chính phủ.
Công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật đã được tổ chức có trọng tâm, trọng điểm, ngày càng tiếp cận tốt hơn với yêu cầu mà công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật đặt ra là hoàn thiện hệ thống pháp luật trên tất cả lĩnh vực từ Trung ương đến địa phương. Đồng thời, năm 2014 với lĩnh vực theo dõi tình hình thi hành pháp luật là xử lý vi phạm hành chính, công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật của tỉnh không chỉ đáp ứng được yêu cầu tự thân của công tác này mà còn tạo ra tiền đề, cơ sở quan trọng cho việc tổ chức triển khai thực hiện việc quản lý công tác thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính.
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, Phòng Văn bản pháp quy vẫn còn những khó khăn, hạn chế, vướng mắc, tồn tại cần phải có những giải pháp phù hợp để khắc phục trong thời gian đến như:
- Về biên chế, tổ chức:Hiện nay khối lượng công việc của Phòng theo chức năng, nhiệm vụ được phân công là khá nhiều (06 lĩnh vực công tác). Tuy nhiên, nhân lực của phòng lại rất ít (05 biên chế, 01 hợp đồng lao động), tổ chức của Phòng chưa được kiện toàn nên chưa đáp ứng được các yêu cầu công việc đặt ra.
Trong lĩnh vực công tác pháp chế, do cơ cấu tổ chức cũng chưa được củng cố, kiện toàn do thiếu biên chế nên đa số cán bộ làm công tác pháp chế ở các cơ quan, đơn vị đều làm việc theo cơ chế kiêm nhiệm, một số cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh chưa bố trí cán bộ làm công tác pháp chế cho sở, ngành mình. Vì vậy, chưa có sự chú trọng, đầu tư vào các nội dung công việc mà Nghị định số 55/2011/NĐ-CP đã quy định, chất lượng, hiệu quả công việc chưa cao, chưa xứng tầm với yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Biên chế của các Phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố, công chức Tư pháp - Hộ tịch ở cấp xã vẫn còn thiếu về số lượng, năng lực cán bộ một số địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác xây dựng, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, theo dõi tình hình thi hành pháp luật, tham mưu cho Ủy ban nhân dân các cấp quản lý về công tác xử lý vi phạm hành chính.
- Về cơ chế: Theo quy định của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP thì cán bộ pháp chế phải đảm bảo trình độ là Cử nhân Luật. Tuy nhiên, đa số cán bộ làm công tác pháp chế ở các sở, ngành trong tỉnh chưa đảm bảo được tiêu chuẩn về chuyên môn này nhưng các cơ quan không có nguồn nhân sự để bổ sung.
Về cơ chế kinh phí đã được quan tâm phân bổ đúng quy định, tuy nhiên chưa các mức quy định hiện hành chưa đáp ứng yêu cầu công việc. Trong công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật, hiện nay cơ chếvận dụng các quy định tương tự về chi ngân sáchđểchi cho các hoạt động nghiệp vụ theo dõi thi hành pháp luậttheo quy định của Thông tư liên tịch số 47/2012/TT-BTC-BTP ngày 16/3/2012 của liên Bộ: Tài chính - Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng và hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn trong việc tổ chức thực hiện.
Trong công tác tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về công tác xử lý vi phạm hành chính: Chưa có quy định cụ thể về mức chi, nội dung chi, nguồn kinh phí đảm bảo cho công tác này; phần mềm xây dựng hệ cơ sở dữ liệu công tác xử lý vi phạm hành chính…nên quá trình thực hiện nhiệm vụ còn gặp khó khăn.
- Về quan hệ phối hợp công tác:Một số sở, ngành chưa thực hiện đúng quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh: Không gửi văn bản cho Sở Tư pháp thẩm định theo quy trình hoặc gửi không đúng thời gian theo quy định; một số trường hợp gửi văn bản thẩm định nhưng không gửi tài liệu kèm theo để phục vụ cho công tác thẩm định hoặc thời gian đề nghị thẩm định quá ngắn, điều này phần nào làm khó khăn, giảm hiệu quả, chất lượng của công tác thẩm định. Việc gửi văn bản cho Sở Tư pháp thực hiện công tác kiểm tra theo chức năng bước đầu đã được thực hiện nhưng chưa đồng bộ và và thường xuyên theo đúng quy định.
Các sở, ngành, địa phương chưa thực hiện đúng quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 81/2013/NĐ-CP, Nghị định số 55/2011/NĐ-CP về công tác pháp chế, Nghị định số 59/2012/NĐ-CP về theo dõi tình hình thi hành pháp luật nênSở Tư pháp gặp nhiều khó khăn trong việc theo dõi, tổng hợp báo cáo cũng như đề xuất những giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho các cơ quan có thẩm quyền về các lĩnh vực công tác này.
- Về các điều kiện đảm bảo cho công tác xử lý vi phạm hành chính:Kinh phí, trang thiết bị, cơ sở vật chất, hệ cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính, hồ sơ lưu trữ, kho lưu trữ các Quyết định xử lý, xử phạt vi phạm hành chính,…để đảm bảo cho việc triển khai thực hiện công tác giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về công tác xử lý vi phạm hành chính ở Sở Tư pháp còn nhiều khó khăn, lúng túng, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ vì chưa có cơ chế, chính sách của các cơ quan có thẩm quyền của Trung ương quy định, hướng dẫn đối với lĩnh vực này.
- Công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ:Chưa được tiến hành thường xuyên do khó khăn về kinh phí.
Từ những kết quả đã đạt được, cũng như những vấn đề còn vướng mắc, tồn tại như đã nêu trên, Phòng Văn bản pháp quy đã tham mưu, đề xuất Lãnh đạo Sở có một số kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm hỗ trợ thêm về biên chế, kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho Sở Tư pháp nói chung và Phòng Văn bản pháp quy nói riêng nhằm đảm bảo thực hiện tốt các lĩnh vực công tác của Phòng. Chỉ đạo các sở, ngành tuân thủ, thực hiện đúng quy định của pháp luật về quy trình, xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh; chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện báo cáo kết quả xử lý, xử phạt vi phạt vi phạm hành chính cho Sở Tư pháp.
Đối với Chính phủ, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành có thẩm quyền của Trung ương nên có quy định linh hoạt hơn về tiêu chuẩn của người làm công tác pháp chế, không nhất thiết người làm công tác pháp chế phải có trình độ Cử nhân Luật mà có thể có trình độ cử nhân khác như Cử nhân Hành chính, Cử nhân Kinh tế hoặc Cử nhân Kế toán - Tài chính nhưng phải được đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ pháp chế hàng năm do Bộ Tư pháp tổ chức.
Sớm ban hành quy định hướng dẫn về tổ chức, bộ máy, biên chế, tiêu chuẩn của người làm công tác pháp chế và chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với người làm công tác pháp chế. Đồng thời, xem xét bổ sung quy định về chức danh thẩm định viên, kiểm tra viên văn bản và có cơ chế phụ cấp, ưu đãi đối lĩnh vực này để thu hút được nguồn nhân lực có chất lượng cao.
Về cơ chế kinh phí: Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Tài chính ban hành hướng dẫn về kinh phí, quyết toán kinh phí thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật; Thông tư quy định, hướng dẫn các cơ chế tài chính phục vụ công tác xử lý vi phạm hành chính để các ngành, các cấp có đủ điều kiện đảm bảo cho việc triển khai thực hiện công tác này.
Đề nghị Bộ Tư pháp sớm ban hành Bộ chỉ tiêu thống kê quốc gia về tình hình thi hành pháp luật và xây dựng Quy chế phối hợp giữa các cơ quan để cung cấp thông tin, làm nhiệm vụ theo dõi tình hình thi hành pháp luật; hướng dẫn về việc xây dựng hệ cơ sở dữ liệu công tác xử lý vi phạm hành chính ở các cấp. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ chuyên sâu cho công chức làm công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật; công tác giúp Ủy ban nhân dân các cấp quản lý Nhà nước về xử lý vi phạm hành chính.
Với những kết quả đạt được của năm 2014, Phòng Văn bản pháp quy đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc và tặng Bằng khen. Đây là nguồn động viên có ý nghĩa to lớn nhằm khuyến khích tập thể công chức của đơn vị phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ của năm 2015./.
Tác giả bài viết: Phòng VBPQ