Quy định mới về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập

Thứ tư - 06/10/2021 17:37 19.417 0
Để phát huy quyền làm chủ của cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, đạo đức và năng lực nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Ngày 09 tháng 01 năm 2015 Chính phủ ban hành Nghị định số 04/2015/NĐ-CP về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập, thay thế Nghị định số 71/1998/NĐ-CP ngày 08/9/1998 của Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan. Nghị định quy định dân chủ trong nội bộ cơ quan, đơn vị bao gồm: trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị và của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện dân chủ trong hoạt động nội bộ của cơ quan, đơn vị; những việc phải công khai để cán bộ, công chức, viên chức biết; những việc cán bộ, công chức, viên chức tham gia ý kiến, người đứng đầu cơ quan quyết định; những việc cán bộ, công chức, viên chức giám sát, kiểm tra.

Về trách nhiệm của người đứng đầu, về cơ bản Nghị định vẫn kế thừa các quy định của Nghị định 71. Theo đó, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải có các trách nhiệm chính như tổ chức các cuộc họp giao ban để đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phải thực hiện trong thời gian tới của cơ quan, đơn vị; tổ chức đánh giá định kỳ hàng năm đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý; lắng nghe ý kiến phản ánh, phê bình của cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tham nhũng. Ngoài ra, Nghị định bổ sung thêm một số trách nhiệm mới như xem xét, giải quyết kịp thời theo quy định của pháp luật các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cán bộ, công chức, viên chức và kiến nghị của Ban Thanh tra nhân dân của cơ quan, đơn vị; kịp thời báo cáo với cơ quan có thẩm quyền những vấn đề không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình; kịp thời xử lý người có hành vi cản trở việc thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan, đơn vị và người có hành vi trả thù, trù dập cán bộ, công chức, viên chức khiếu nại, tố cáo, kiến nghị theo quy định của pháp luật.

Nghị định quy định chi tiết, cụ thể hơn trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức như nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và bảo đảm thông tin chính xác, kịp thời; thực hiện các quy định về nghĩa vụ, đạo đức, văn hóa giao tiếp, quy tắc ứng xử, nguyên tắc trong hoạt động nghề nghiệp và những việc không được làm theo quy định của pháp luật. Chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước người phụ trách trực tiếp và trước người đứng đầu trong cơ quan, đơn vị về việc thi hành nhiệm vụ của mình. Trong khi thi hành công vụ, cán bộ, công chức được trình bày ý kiến, đề xuất việc giải quyết những vấn đề thuộc phạm vi trách nhiệm của mình khác với ý kiến của người phụ trách trực tiếp, nhưng vẫn phải chấp hành sự chỉ đạo và hướng dẫn của người phụ trách trực tiếp, đồng thời có quyền bảo lưu ý kiến và báo cáo lên cấp có thẩm quyền. Đối với viên chức được quyền từ chối thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ trái với quy định của pháp luật, được quyết định vấn đề mang tính chuyên môn gắn với công việc hoặc nhiệm vụ được giao. Thực hiện phê bình và tự phê bình nghiêm túc, phát huy ưu điểm, có giải pháp sửa chữa khuyết điểm. Nghị định bổ sung thêm trách nhiệm mới trong việc báo cáo người có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động của cơ quan, đơn vị.

Những việc phải công khai để cán bộ, công chức, viên chức biết, ngoài việc kế thừa quy định của Nghị định số 71 về công khai kế hoạch công tác hàng năm, hàng quý, hàng tháng của cơ quan, đơn vị; kinh phí hoạt động hàng năm; kết quả thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong nội bộ cơ quan, đơn vị. Nghị định quy định cụ thể hơn nội dung công khai trong tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, điều động, bổ nhiệm, luân chuyển, biệt phái, từ chức, miễn nhiệm; hợp đồng làm việc, thay đổi chức danh nghề nghiệp, thay đổi vị trí làm việc, chấm dứt hợp đồng làm việc của viên chức; đi công tác nước ngoài, giải quyết chế độ, nâng bậc lương, nâng ngạch, đánh giá, xếp loại công chức, viên chức; khen thưởng, kỷ luật, thôi việc, nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức; các đề án, dự án và việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan, đơn vị. Bổ sung thêm nội dung công khai mới gồm: bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ phải kê khai theo quy định của pháp luật; kết quả tiếp thu ý kiến của cán bộ, công chức, viên chức về những vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của người đứng đầu cơ quan, đơn vị đưa ra lấy ý kiến cán bộ, công chức, viên chức theo quy định và công khai văn bản chỉ đạo, điều hành của cơ quan quản lý cấp trên liên quan đến công việc của cơ quan, đơn vị.

Những việc cán bộ, công chức tham gia ý kiến, Thủ trưởng cơ quan quyết định bao gồm: chủ trương, giải pháp thực hiện nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công việc của cơ quan, đơn vị; kế hoạch công tác hàng năm của cơ quan, đơn vị; tổ chức phong trào thi đua của cơ quan, đơn vị; báo cáo sơ kết, tổng kết của cơ quan, đơn vị; biện pháp cải tiến tổ chức, hoạt động và lề lối làm việc; phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống quan liêu, phiền hà, sách nhiễu nhân dân; kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; bầu cử, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức; hiện các chế độ, chính sách liên quan đến quyền và lợi ích của cán bộ, công chức, viên chức; nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị. Cán bộ, công chức có thể tham gia ý kiến bằng nhiều hình thức khác nhau: tham gia trực tiếp hoặc thông qua người đại diện với người đứng đầu cơ quan; thông qua hội nghị cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị hoặc phát phiếu hỏi ý kiến trực tiếp.

Ngoài ra, Nghị định còn quy định cụ thể về việc tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức; những việc cán bộ, công chức, viên chức tham gia giám sát, kiểm tra; dân chủ trong quan hệ và giải quyết công việc với công dân, cơ quan tổ chức có liên quan bao gồm: trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan đơn vị và của cán bộ, công chức, viên chức trong quan hệ và giải quyết công việc với công dân, cơ quan, tổ chức có liên quan; quan hệ giữa người đứng đầu cơ quan, đơn vị với cơ quan cấp trên và với cơ quan cấp dưới.

Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả dân chủ trong hoạt động cơ quan, đơn vị, Chính phủ cũng yêu cầu việc thực hiện dân chủ phải gắn liền với việc bảo đảm sự lãnh đạo của tổ chức Đảng ở cơ quan, đơn vị; chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ; phát huy vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị và của các tổ chức đoàn thể quần chúng của cơ quan, đơn vị. Dân chủ trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật; kiên quyết xử lý những hành vi lợi dụng dân chủ vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức và quyền làm chủ của nhân dân, cản trở việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25 tháng 02 năm 2015./.

Tác giả bài viết: Trần Thị Túy

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây