Bộ luật Dân sự 2005 có vai trò vô cùng quan trọng trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Nó thể hiện những quan điểm cơ bản nhất của nhà nước trong điều chỉnh các quan hệ pháp luật tư, thiết lập các nguyên tắc quan trọng nhất cho các mối quan hệ trong đời sống dân sự, đồng thời xác lập các quy tắc điều chỉnh cho quan hệ dân sự phát sinh (thậm chí cả những trường hợp được dự liệu có thể phát sinh). Các đạo luật điều chỉnh các khía cạnh khác nhau của quan hệ pháp luật tư (như thương mại, đất đai, tín dụng, sở hữu trí tuệ….) cũng đều phải căn cứ vào các nguyên tắc chung của Bộ luật Dân sự.
Qua 8 năm thi hành, Bộ luật Dân sự 2005 đã có tác động rất tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và trong hoạt động của ngành Tòa án nói riêng. Bộ luật dân sự đã cụ thể hóa, chi tiết đại đa số các quan hệ xã hội trên cơ sở của nguyên tắc bình đẳng, tự nguyện, tự thỏa thuận và tự chịu trách nhiệm giữa các chủ thể, hạn chế tối đa sự can thiệp hành chính của nhà nước vào quan hệ dân sự, tôn trọng và phát huy sự tự thỏa thuận, tự quyết định của các chủ thể, phát huy vai trò to lớn trong việc tạo lập hành lang pháp lý điều chỉnh các quan hệ dân sự, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, lợi ích nhà nước và lợi ích công cộng.
Tuy nhiên, bước sang giai đoạn phát triển mới của đất nước, trước yêu cầu thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011)và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 đã được thông qua tại Đại hội lần thứ XI của Đảng và đặc biệt là yêu cầu về cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp 2013 liên quan đến bảo vệ quyền con người, quyền công dân và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, Bộ luật Dân sựhiện hành đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập.Những hạn chế, bất cập của Bộ luật Dân sựcó ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của Bộ luật Dân sựnói riêng, pháp luật dân sự nói chung; gây cản trở cho sự phát triển của kinh tế - xã hội, của đất nước cũng như cho việcthực hiện, bảo vệ các quyềndân sự của các cá nhân, tổ chức, do đó cần phải được khắc phục, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện nhằm đáp ứng được yêu cầu giải quyết các quan hệ xã hội về dân sự trong giai đoạn hiện nay.
Trên cơ sở thảo luận qua các kỳ họp của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Dân sự cần thiết phải tiến hành sửa đổi toàn diện, không chỉ nhằm giải quyết những vấn đề vướng mắc, tồn tại, đáp ứng được các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội mà điều quan trọng hơn là phải phản ánh, bảo vệ và phát huy được giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Việc xây dựng Bộ luật Dân sự trở thành luật chung của hệ thống pháp luật liên quan đến các quan hệ dân sự, kinh tế, thương mại, góp phần bảo đảm tính ổn định, bền vững của các quan hệ xã hội trên cơ sở kế thừa, phát triển pháp luật dân sự Việt Nam nên cần phải tiến hành lấy ý kiến rộng rã của đại đa số tầng lớp Nhân dân. Tán thành với ý kiến của Đại biểu Quốc hội, ngày 25/12/2014, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 857/NQ-UBTVQH13 về việc lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi).
Căn cứ nghị quyết số 857/NQ-UBTVQH13, ngày 02/01/2015, Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 01/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch của Chính phủ về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Quyết định nêu rõ, việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Bộ Luật dân sự (sửa đổi) phải bám sát nội dung Nghị quyết số 857/NQ-UBTVQH13 và đây phải được coi là một nhiệm vụ trọng tâm cần được ưu tiên tập trung chỉ đạo thực hiện trong Quý I/2015 của các ngành, các cấp.
Theo Kế hoạch, nội dung lấy ý kiến về dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) bao gồm: Quy định chung; Quyền sở hữu và các vật quyền khác; Nghĩa vụ và hợp đồng; Thừa kế; Pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài; Điều khoản thi hành; Kỹ thuật trình bày các quy định của Bộ luật dân sự.
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đơn vị tiến hành lấy ý kiến về các nội dung trên, đồng thời căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tập trung lấy ý kiến liên quan trực tiếp đến phạm vi, lĩnh vực hoạt động của Bộ, ngành mình và những vấn đề mà Bộ, ngành quan tâm.
Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) được đăng toàn văn trên Báo Nhân dân, Trang thông tin điện tử của Quốc hội, Bộ Tư pháp, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. Việc lấy ý kiến được thông qua nhiều hình thức như góp ý trực tiếp hoặc bằng văn bản, tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm; thông qua Trang thông tin điện tử của Bộ Tư pháp và các hình thức phù hợp khác.
Thời gian lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) bắt đầu từ ngày 05/01/2015 và kết thúc vào ngày 05/4/2015. Bộ Tư pháp trình Chính phủ báo cáo kết quả trước 25/4/2015./.
Tác giả bài viết: Lê Kim Chinh