- Chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm là chính sách hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng khác. Theo quy định của Luật thì doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh nếu có dự án vay vốn khả thi tại địa phương, phù hợp với ngành, nghề sản xuất kinh doanh, thu hút lao động làm việc ổn định, dự án được được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nơi thực hiện dự án xác nhận và có bảo đảm tiền vay thì được vay vốn từ Quỹ quốc gia, đặc biệt nếu sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số thì được vay với mức lãi suất thấp hơn. Luật cũng quy định người lao động có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có nhu cầu vay vốn để tạo việc làm và cư trú hợp pháp thì cũng được vay vốn từ Quỹ quốc gia. Chính sách mới đặc biệt quan tâm đến người lao động là dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và người khuyết tật thì được vay với mức lãi suất thấp hơn.
- Hỗ trợ chuyển dịch việc làm, chính sách này áp dụng đối với người lao động ở khu vực nông thôn, đây là chính sách xuất phát từ thực trạng chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp để phục vụ cho các dự án phát triển công nghiệp hóa ở nông thôn, dẫn đến một bộ phận lớn nông dân bị thất nghiệp, không có việc làm ổn định, do vậy cần phải chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm cho người lao động ở khu vực nông thôn. Theo đó, người lao động tham gia vào chủ trương này sẽ được hỗ trợ học nghề, tư vấn miễn phí về các chính sách, giới thiệu việc làm miễn phí và được vay vốn từ Quỹ quốc gia. Ngoài ra, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh tạo việc làm cho người lao động ở khu vực nông thôn sẽ được nhà nước hỗ trợ vay vốn từ Quỹ quốc gia, hỗ trợ cung cấp thông tin về thị trường tiêu thụ sản phẩm và miễn, giảm thuế theo quy định.
- Chính sách việc làm công,đây là chính sách hoàn toàn mới được thực hiện thông qua các dự án hoặc hoạt động sử dụng vốn nhà nước gắn với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn cấp xã như các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng công cộng. Chính sách hướng tới mục tiêu cung cấp việc làm tạm thời cho người lao động là người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cân nghèo, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, người chưa có việc làm hoặc thiếu việc làm ở khu vực nông thôn.
- Hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài,nhận thức được tầm quan trọng của việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong việc giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động và thân nhân của họ, nhà nước chủ trương khuyến khích đưa người lao động có khả năng đi lao động ở nước ngoài, tạo mọi điều kiện thuận lợi để người lao động là người dân tộc thiểu số; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp; thân nhân của người có công với cách mạng có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được hỗ trợ học nghề, ngoại ngữ; phong tục tập quán, pháp luật, nâng cao kỹ năng nghề và vay vốn với lãi suất ưu đãi.
- Hỗ trợ phát triển thị trường lao động, một trong những chính sách quan trọng khác nhằm tạo việc làm cho người lao động đó là nhà nước hỗ trợ phát triển thị trường lao động nhằm giúp người lao động và người sử dụng lao động hoạt động thuận lợi hơn. Nhà nước hỗ trợ thông qua các hoạt động thu thập, cung cấp thông tin thị trường lao động, dự báo và kết nối cung cầu lao động; hiện đại hóa hoạt động dịch vụ việc làm và hệ thống thông tin thị trường lao động; đầu tư nâng cao năng lực trung tâm dịch vụ việc làm và khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia phát triển thị trường lao động.
Với những chính sách hỗ trợ trên, nhà nước hi vọng sẽ giải quyết được một trong những vấn đề bức xúc nhất của xã hội hiện nay, góp phần bảo đảm một trong những quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp ghi nhận đó là việc làm, đồng thời thực hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với người lao động đã được quy định trong Hiến pháp đó là “Nhà nước và xã hội có kế hoạch tạo ngày càng nhiều việc làm cho người lao động”./.
Tác giả bài viết: Trần Thị Túy