Về đối tượng xử phạt, Nghị định kế thừa các quy định về đối tượng bị xử phạt tại Nghị định số 105 bao gồm hộ gia đình, cá nhân trong nước, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức trong nước, tổ chức nước ngoài, doanh nghiệp và cơ sở tôn giáo. Tuy nhiên, so với Nghị định số 105 thì Nghị định lần này bổ sung thêm cộng đồng dân cư và quy định hộ gia đình, cộng đồng dân cư có hành vi vi phạm thì được áp dụng xử lý như đối với cá nhân; cơ sở tôn giáo có hành vi vi phạm thì được áp dụng xử lý như đối với tổ chức. Ngoài ra, cũng quy định rõ cá nhân, tổ chức được áp dụng quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam theo quy định của pháp luật không thuộc đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Về hình thức xử phạt, Nghị định mới vẫn quy định hai hình thức xử phạt chính bao gồm cảnh cáo và phạt tiền. Đối với hình thức xử phạt bổ sung Nghị định mới vẫn giữ nguyên hình thức tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính và quy định cụ thể tước quyền sử dụng giấy phép từ 6 tháng đến 9 tháng hoặc đình chỉ hoạt động từ 9 tháng đến 12 tháng kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành. Ngoài ra, trên cơ sở quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính về nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính, Nghị định quy định rõ đối với cùng một hành vi vi phạm thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Về xác định tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, so với Nghị định số 105, Nghị định mới nâng giá trị quyền sử dụng đất đối với diện tích đất bị vi phạm sau khi quy đổi thành tiền tại các mức để xác định tính chất, mức độ hành vi vi phạm, cụ thể: Mức 1: Giá trị quyền sử dụng đất đối với diện tích đất bị vi phạm quy thành tiền dưới 60.000.000 đồng đối với đất nông nghiệp, dưới 300.000.000 đồng đối với đất phi nông nghiệp; Mức 2: Giá trị quyền sử dụng đất đối với diện tích đất bị vi phạm quy thành tiền từ 60.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng đối với đất nông nghiệp, từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng đối với đất phi nông nghiệp; Mức 3: Giá trị quyền sử dụng đất đối với diện tích đất bị vi phạm quy thành tiền từ 200.000.000 đến dưới 1.000.000.000 đồng đối với đất nông nghiệp, từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng đối với đất phi nông nghiệp và Mức 4: Giá trị quyền sử dụng đất đối với diện tích đất bị vi phạm quy thành tiền từ 1.000.000.000 trở lên đối với đất nông nghiệp, từ 3.000.000.000 đồng trở lên đối với đất phi nông nghiệp. Ngoài ra Nghị định cũng quy định chi tiết hơn diện tích vi phạm và chi phí để xác định diện tích đất vi phạm, cụ thể: Trường hợp vi phạm toàn bộ diện tích thửa đất thì xác định theo diện tích ghi trên giấy tờ về quyền sử dụng đất; trường hợp vi phạm một phần diện tích thửa đất có giấy tờ về quyền sử dụng đất hoặc thửa đất vi phạm không có giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định thì người thi hành công vụ lập biên bản vi phạm hành chính, trong đó ghi rõ diện tích đất vi phạm thực tế. Trường hợp người có hành vi vi phạm không nhất trí với diện tích đất vi phạm đã xác định thì người thi hành công vụ báo cáo người có thẩm quyền xử phạt trưng cầu tổ chức có chức năng đo đạc tiến hành đo đạc xác định diện tích đất vi phạm. Trường hợp không xác định được loại đất do không có giấy tờ về quyền sử dụng đất thì thực hiện theo quy định của Luật Đất đai.
Về các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, cơ bản Nghị định mới kế thừa quy định về hành vi vi phạm trong Nghị định số 105. Tuy nhiên, trong một số trường hợp Nghị định mới quy định cụ thể hơn từng hành vi vi phạm và bổ sung thêm một số hành vi cho phù hợp với thực tiễn về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai như hành vi chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép; tự ý chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép; chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép; chuyển mục đích sử dụng đất phi nông nghiệp sang mục đích khác trong nhóm đất phi nông nghiệp mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép; gây cản trở cho việc sử dụng đất của người khác; tự ý chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền trong dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở; tự ý bán, mua tài sản gắn liền với đất được nhà nước cho thuê thu tiền thuê đất hàng năm mà không đủ điều kiện; tự ý cho thuê tài sản gắn liền với đất được nhà nước cho thuê thu tiền thuê đất hàng năm; tự ý chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất có điều kiện mà không đủ điều kiện của hộ gia đình, cá nhân; chậm làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận cho người mua nhà ở, người nhận quyền sử dụng đất ở…
Về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, ngoài các chức danh có thẩm quyền xử phạt đã được quy định tại Nghị định số 105, Nghị định mới quy định bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các cơ quan khác theo quy định tại khoản 3 Điều 52 Luật Xử lý vi phạm hành chính, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao mà phát hiện hành vi vi phạm hành chính về đất đai thuộc địa bàn hoặc lĩnh vực quản lý của mình cũng có thẩm quyền xử phạt. Nghị định đồng thời cũng tăng thẩm quyền xử phạt của các chức danh để giảm việc xử phạt cho cấp trên, đồng thời góp phần bảo đảm ra quyết định xử phạt kịp thời, đúng thời hạn quy định. Bên cạnh đó, để giải quyết kịp thời vướng mặc về người có thẩm quyền lập biên bản, tại Điều 34 Nghị định quy định rõ người có thẩm quyền lập biên bản gồm người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai và công chức, viên chức thuộc các cơ quan quy định tại Điều 31, 32 và 33 của Nghị định này đang thi hành công vụ, nhiệm vụ.
Ngoài ra, để giải quyết các trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai xảy ra trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực, Nghị định quy định đối với hành vi vi phạm xảy ra trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực mà sau đó mới phát hiện hoặc đang xem xét, giải quyết thì áp dụng Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai có hiệu lực tại thời điểm thực hiện hành vi vi phạm để xử lý, trừ trường hợp các quy định trong Nghị định này có lợi cho đối tượng thì áp dụng các quy định của Nghị định này để xử lý. Đối với hành vi vi phạm đã có quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành nhưng chưa chấp hành hoặc chấp hành chưa xong thì tiếp tục thực hiện theo quyết định xử phạt đó.
Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25 tháng 12 năm 2014./.
Tác giả bài viết: Trần Thị Túy