Nghiên cứu, trao đổi: Bàn về giá trị pháp lý của thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo quy định của dự thảo Luật Căn cước công dân

Thứ tư - 06/10/2021 17:37 125 0
Dự thảo Luật Căn cước công dân đã dành ra 6 Điều để quy định về “Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư” tại Mục 1, Chương II. Việc bổ sung những quy định này là hoàn toàn cần thiết, bởi vì, Đề án 896 đã đặt ra mục tiêu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 90/2010/NĐ-CP ngày 18/08/2010 của Chỉnh phủ về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và ban hành Nghị định về cấp, quản lý, sử dụng số định danh cá nhân để hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; cấp, quản lý, sử dụng số định danh cá nhân.

Do vậy, trong điều kiện xây dựng Luật Căn cước công dân, việc quy định cụ thể các vấn đề về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vào dự thảo Luật là hoàn toàn phù hợp, nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cấp, quản lý, sử dụng số định danh cá nhân mà Đề án 896 đã đặt ra. Tuy nhiên, để Dự thảo hoàn thiện và phù hợp với thực tiễn, theo quan điểm của người viết thì cơ quan soạn thảo nên cân nhắc một số vấn đề về các quy định liên quan đến giá trị pháp lý của thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư:

Thứ nhất, Khoản 3, Điều 3 quy định: “Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là cơ sở dữ liệu gốc, tập hợp thông tin cơ bản của tất cả công dân Việt Nam, được số hóa, lưu trữ, quản lý và khai thác bằng cơ sở hạ tầng thông tin phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ qua, tổ chức, cá nhân” và Khoản 3, Điều 10 Dự thảo quy định “Thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là căn cứ để cơ quan, tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành và kiểm tra thông tin về dân cư”. Tuy nhiên, các quy định này không thống nhất với Khoản 2, Điều 9 Dự thảo. Theo Khoản 2, Điều 9 thì thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được thu thập, cập nhật từ tàng thư căn cước công dân, cơ sở dữ liệu về cư trú, hộ tịch và cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác qua việc xử lý chuẩn hóa dữ  liệu sẵn có về dân cư. Như vậy, theo quy định này thì rõ ràng thông tin trong các cơ sở khác mới là thông tin ban đầu, thông tin gốc, còn thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là thông tin được sao chép lại, không phải là thông tin gốc mà trên cơ sở thu thập thông tin từ những tài liệu khác nhau, thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chỉ là nơi chứa đựng đầy đủ nhất các thông tin về công dân. Do vậy, nếu quy định thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là thông tin gốc và là căn cứ để xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành là chưa thống nhất giữa các quy định của dự thảo Luật.

Thứ hai, cơ quan soạn thảo cân nhắc thêm quy định: “trường hợp thông tin trong giấy tờ, tài liệu đã được cấp cho công dân không phù hợp với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì phải theo Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư”  tại Khoản 3, Điều 11 Dự thảo là không hợp lý. Bởi vì, thứ nhất: theo các điều khoản của dự thảo Luật thì có đến hơn 06 nguồn tài liệu lưu trữ thông tin về công dân, bao gồm : (1) Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; (2) Cơ sở dữ liệu về cư trú, hộ tịch; (3) Tàng thư căn cước công dân; (4) Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; (5) Thẻ căn cước công dân và (6) Cơ sở dữ liệu chuyên ngành (gồm nhiều Cơ sở của các ngành khác nhau), trong đó có thể có nhiều thông tin về công dân sẽ được lưu trữ trùng lặp giữa các dữ liệu. Như phân tích ở trên, theo quy định tại Khoản 2, Điều 9 Dự thảo thì Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chỉ là nơi tập hợp đầy đủ nhất thông tin về công dân trên cơ sở sao chép lại thông tin từ các nguồn khác mà không phải là cơ sỡ dữ liệu gốc. Trong thực tiễn có khả năng xảy ra quá trình thu thập, cập nhật và xử lý chuẩn hóa dữ liệu về công dân sẵn có từ các nguồn khác vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có thể có sai sót dẫn đến cập nhật sai thông tin về dân cư. Trong lúc đó, những người, cơ quan có thẩm quyền ở các chuyên ngành khác nhau cấp giấy tờ, tài liệu cho công dân liên quan đến lĩnh vực họ quản lý căn cứ vào dữ liệu sẵn có trong cơ sở chuyên ngành của họ. Do vậy, nếu quy định thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là thông tin chuẩn, thông tin gốc là không phù hợp với thực tiễn và quy định của dự thảo Luật. Thứ hai: lưu trữ thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là lưu trữ bằng phần mềm điện tử, tin học hóa, do vậy những thông tin này có thể bị lỗi do phần mềm hoặc lỗi trong quá trình xử lý thông tin nên không thể lấy thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để làm thông tin chuẩn được. Người viết cho rằng, để xác định giá trị thông tin về công dân của các cơ sở dữ liệu là rất khó bởi có sự kết nối, chia sẻ qua lại với nhau và hơn nữa đều được lưu trữ điện tử. Vì vậy, để bảo đảm tính chính xác thông tin về công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nói chung và các cơ sở khác nói riêng cũng như thông tin trong các giấy tờ, tài liệu cấp cho công dân thì Dự thảo nên quy định đối với trường hợp có sự khác biệt thông tin về công dân trong các cơ sở dữ liệu thì cơ quan, người có thẩm quyền phải thực hiện trách nhiệm xác minh thông tin, trong đó có sự lưu ý đến giá trị của các hồ sơ, tài liệu được lưu trữ bằng văn bản cứng (lưu trữ truyền thống) và lời khai của công dân để làm căn cứ xác minh là phù hợp hơn căn cứ vào thông tin lưu trữ điện tử như dự thảo Luật quy định.

Thứ ba, liên quan đến vấn đề xác minh thông tin, đề nghị cơ quan soạn thảo nên cân nhắc thêm các quy định: “Trường hợp thông tin, tài liệu quy định tại khoản 1 Điều này chưa có hoặc chưa đầy đủ thì được thu thập, cập  nhật từ công dân” tại Khoản 2, Điều 9 và quy định “không được yêu cầu công dân xuất trình giấy tờ, hoặc cung cấp thông tin đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư” tại Khoản 3, Điều 10. Bởi vì, cơ quan soạn thảo chỉ mới tính toán đến các khả năng thông tin chưa có hoặc thông tin chưa đầy đủ mà chưa tính đến khả năng thông tin không chính xác, có sự khác biệt giữa các cơ sở lưu trữ. Như phân tích ở trên thì trong những trường hợp này cần phải tiến hành xác minh thông tin qua việc yêu cầu công dân xuất trình giấy tờ hoặc cung cấp thông tin là bảo đảm hơn. Do vậy, cơ quan soạn thảo nên cân nhắc quy định lại các điều khoản này theo hướng như sau: “Trường hợp thông tin, tài liệu quy định tại khoản 1 Điều này chưa có hoặc chưa đầy đủ hoặc chưa chính xác thì được thu thập, cập  nhật từ công dân” tại Khoản 2, Điều 9; và “Cơ quan, tổ chức không được yêu cầu công dân xuất trình giấy tờ, hoặc cung cấp thông tin đã có, đã chính xác trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư”  tại Khoản 3 Điều 10 là hợp lý hơn đối với các yêu cầu quản lý nhà nước trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư./.

Tác giả bài viết: Trần Thị Túy

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây