Về nguyên tắc xử phạt thì tại Điểm b, Khoản 1, Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định:“Việc xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật”;Đồng thời, Điều 52quy địnhnguyên tắc xác định và phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quảnhư sau:
“1. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của những người được quy định tại các điều từ 38 đến 51 của Luật này là thẩm quyền áp dụng đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân; trong trường hợp phạt tiền, thẩm quyền xử phạt tổ chức gấp 02 lần thẩm quyền xử phạt cá nhân và được xác định theo tỉ lệ phần trăm quy định tại Luật này đối với chức danh đó.
Trong trường hợp phạt tiền đối với vi phạm hành chính trong khu vực nội thành thuộc các lĩnh vực quy định tại đoạn 2 Khoản 1, Điều 23 của Luật này, thì các chức danh có thẩm quyền phạt tiền đối với các hành vi vi phạm hành chính do Chính phủ quy định cũng có thẩm quyền xử phạt tương ứng với mức tiền phạt cao hơn đối với các hành vi vi phạm hành chính do Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương quy định áp dụng trong nội thành.
2. Thẩm quyền phạt tiền quy định tại khoản 1 Điều này được xác định căn cứ vào mức tối đa của khung tiền phạt quy định đối với từng hành vi vi phạm cụ thể.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước ở địa phương.
Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại các điều từ 39 đến 51 của Luật này có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực, ngành mình quản lý.
Trong trường hợp vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền xử phạt của nhiều người, thì việc xử phạt vi phạm hành chính do người thụ lý đầu tiên thực hiện.
4. Trường hợp xử phạt một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính thì thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được xác định theo nguyên tắc sau đây:
a) Nếu hình thức, mức xử phạt, trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu, biện pháp khắc phục hậu quả được quy định đối với từng hành vi đều thuộc thẩm quyền của người xử phạt vi phạm hành chính thì thẩm quyền xử phạt vẫn thuộc người đó;
b) Nếu hình thức, mức xử phạt, trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu, biện pháp khắc phục hậu quả được quy định đối với một trong các hành vi vượt quá thẩm quyền của người xử phạt vi phạm hành chính thì người đó phải chuyển vụ vi phạm đến cấp có thẩm quyền xử phạt;
c) Nếu hành vi thuộc thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của nhiều người thuộc các ngành khác nhau, thì thẩm quyền xử phạt thuộc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền xử phạt nơi xảy ra vi phạm”.
Như vậy, trong việc xác định thẩm quyền xử phạt thì, nếu thuộc thẩm quyền của người thi hành công vụ thì ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính; trường hợp không thuộc thẩm quyền thì chuyển biên bản vi phạm hành chính đến người có thẩm quyền để ra quyết định xử phạt. Trong trường hợp hành vi vi phạm hành chính do nhiều cơ quan có thẩm quyền xử phạt thì cơ quan thụ lý đầu tiên là cơ quan có thẩm quyền xử phạt. Nếu là lĩnh vực chuyên ngành thì về nguyên tắc lĩnh vực quản lý của ngành nào thì ngành đó trực tiếp ra quyết định xử phạt và thẩm quyền phạt tiền quy định tại khoản 1 Điều này được xác định căn cứ vào mức tối đa của khung tiền phạt quy định đối với từng hành vi vi phạm cụ thể.
Tuy nhiên, trong thực tế thời gian qua có một số chủ thể có thẩm quyền xử phạt do nhận thức chưa đầy đủ về nguyên tắc xử phạt về mức tiền phạt nên khi áp dụng xử phạt thường đùn đẩy trách nhiệm xử phạt; điển hình như trường hợp sau:
Để chấn chỉnh và kiểm tra công tác chấp hành pháp luật về thuế tại các doanh nghiệp, Cục Thuế tỉnh P thành lập Đoàn thanh tra việc chấp hành pháp luật trên lĩnh vực thuế và tiến hành thanh tra tại doanh nghiệp Y huyện S. Kết quả thanh tra, Đoàn thanh tra đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp Y vì đã có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán là: “Lập báo cáo tài chính không đúng với số liệu trên sổ kế toán và chứng từ kế toán” được quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 10 Nghị định số 105/2014/NĐ-CP ngày 16/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập. Đối với hành vi vi phạm này thì Nghị định quy định mức phạt từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng. Về nguyên tắc phạt tiền trong lĩnh vực này thì Điểm b, Khoản 1, Điều 4 Nghị định cũng đã quy định: “Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực kế toán đối với cá nhân là 30.000.000 đồng, đối với tổ chức tối đa là 60.000.000 đồng. Mức phạt tiền quy định từ Điều 7 đến Điều 16 Chương II Nghị định này áp dụng đối với cá nhân. Đối với tổ chức vi phạm thì mức phạt bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân có cùng hành vi vi phạm hành chính”. Như vậy, trong trường hợp này mức phạt tiền đối với doanh nghiệp Y phải ở mức từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng và thẩm quyền xử phạt phải thuộc Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh P. Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh P lại có văn bản chuyển hồ sơ vụ việc và đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện S ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp Y vì cho rằng thẩm quyền xử phạt trong trường hợp này thuộc về Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện S. Theo quan điểm của Cục Thuế tỉnh P là căn cứ vào quy định tại Khoản 4, Điều 23 Luật Xử lý vi phạm hành chính: “Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt” và Điểm b, Khoản 2, Điều 57 Nghị định số 105/2013/NĐ-CP quy định thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện là: “Phạt tiền tối đa đến 25.000.000 đồng đối với cá nhân và tối đa đến 50.000.000 đồng đối với tổ chức vi phạm hành chính”. Do đó, trong trường hợp này mức xử phạt chỉ ở mức trung bình khung của mức phạt giữa 40.000.000 đồng - 60.000.000 đồng là 50.000.000 đồng nên thuộc thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện S là phù hợp với quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 57 của Nghị định số 105/2013/NĐ-CP.
Theo quan điểm của người viết thì nhận thức của Cục Thuế tỉnh B về thẩm quyền xử phạt đối với trường hợp này là chưa đúng với tinh thần của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Bởi vì, Khoản 2, Điều 52 Luật Xử lý vi phạm hành chính đã qui định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp phạt tiền là căn cứ vào mức tối đa của khung tiền phạt quy định đối với từng hành vi vi phạm cụ thể. Trong trường hợp này, mức xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính của doanh nghiệp Y tương ứng với số tiền bao nhiêu (mức giảm nhẹ, mức trung bình khung, mức tăng nặng) không phải là căn cứ để xác định thẩm quyền xử phạt mà phải căn cứ vào mức tối đa của khung tiền phạt quy định đối với từng hành vi vi phạm cụ thể để xác định thẩm quyền. Như vậy, hành vi vi phạm của doanh nghiệp Y đã được quy định cụ thể tại Nghị định số 105/2013/NĐ-CP có mức xử phạt tiền tối đa là 60.000.000 đồng nên thẩm quyền xử phạt không thuộc thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện S.
Từ trường hợp nêu trên và để khắc phục tình trạng chuyển hồ sơ xử lý vụ việc vi phạm hành chính không đúng quy định, các cơ quan và người có thẩm quyền xử phạt cần nghiên cứu kỹ các qui định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính để áp dụng đúng, tránh đùn đẩy công việc lẫn nhau. Nhưng vấn đề quan trọng là việc xử phạt phải phải đảm bảo yêu cầu là đúng nguyên tắc, thẩm quyền theo quy định của Luật nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước theo nguyên tắc “nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật” và không để xảy ra tình trạng phải hủy quyết định xử phạt vi phạm hành chính vì xử phạt không đúng thẩm quyền nếu có khiếu nại, khởi kiện xảy ra./.
Tác giả bài viết: Lê Bảo Phúc