Chế định chính quyền địa phương trong Hiến pháp năm 2013: Những quy định mới về đơn vị hành chính và cấp chính quyền địa phương

Thứ tư - 06/10/2021 17:37 2.546 0
Chính quyền địa phương là một trong những chế định mới được quy định trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vừa được Quốc hội thông qua năm 2013 (Hiến pháp năm 2013) trên cơ sở các quy định về Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân trong Hiến pháp năm 1992. Những đổi mới trong chế định này có ý nghĩa quan trọng nhằm tạo ra cơ chế quản lý Nhà nước phù hợp, tương xứng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động quản lý Nhà nước ở địa phương. Trong chế định chính quyền địa phương, quy định về đơn vị hành chính và cấp chính quyền địa phương là những quy định thể hiện rõ nét nhất những điểm đổi mới đó.

Các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được quy định tại Điều 110 gồm: Nước chia thành tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; tỉnh chia thành huyện, thị xã và thành phố thuộc tỉnh; thành phố trực thuộc trung ương chia thành quận, huyện, thị xã và đơn vị hành chính tương đương;
huyện chia thành xã, thị trấn; thị xã và thành phố thuộc tỉnh chia thành phường và xã; quận chia thành phường. Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội thành lập. Việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính phải lấy ý kiến Nhân dân địa phương và theo trình tự, thủ tục do luật định.

Cấp chính quyền địa phương được quy định tại Điều 111: Chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định.

So sánh với các quy định về Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân trong Hiến pháp năm 1992 cho thấy quy định về đơn vị hành chính và cấp chính quyền địa phương trong Hiến pháp năm 2013 có những điểm mới đáng chú ý như sau:

Một là,bổ sung quy định về đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt do Quốc hội thành lập. Quy định này của Hiến pháp đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc thành lập các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt với tổ chức, bộ máy quản lý đặc thù, gắn với điều kiện địa lý, không gian riêng không giống với các đơn vị hành chính hiện có, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của nước ta hiện nay.

   Hai là, bổ sung đơn vị hành chính tương đương với quận, huyện, thị xã trong thành phố trực thuộc trung ương. Quy định này cho phép thành lập đơn vị hành chính trong thành phố trực thuộc trung ương, đây là một quy định mở thể hiện khả năng dự báo, tính ổn định của Hiến pháp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị đang diễn ra trong thực tiễn của đất nước ta như việc thực hiện thí điểm chính quyền đô thị tại thành phố Hồ Chí Minh.

   Ba là, Hiến pháp năm 2013 quy định nguyên tắc thành lập mới, chia, tách điều chỉnh địa giới hành chính. Theo đó, việc thành lập mới, giải thể, chia, tách, điều chỉnh địa giới hành chính phải lấy ý kiến nhân dân địa phương và theo trình tự, thủ tục do luật định. Việc ghi nhận trong Hiến pháp việc lấy ý kiến nhân dân về những thay đổi trong thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh đơn vị địa giới hành chính là một thay đổi khá lớn, mang tính tích cực trong việc mở rộng dân chủ. Đồng thời, quy định này sẽ góp phần khắc phục tình trạng nhập, tách địa giới hành chính có phần dễ dãi, thiếu căn cứ, tiêu chí và đặc biệt là thiếu sự tham gia ý kiến có tính quyết định của nhân dân trong thực tế ở nước ta thời gian qua.

   Bốn là, cấp chính quyền địa phương sẽ được tổ chức phù hợp với đặc điểm của từng khu vực nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt và không quy định trong Hiến pháp mà được quy định cụ thể trong các đạo luật chuyên ngành. Quy định này là cần thiết và phù hợp với chủ trương chung của Đảng và Nhà nước ta về cải cách hành chính, đẩy mạnh hội nhập trong giai đoạn hiện nay.

   Quy định này đặt ra vấn đề chính quyền địa phương có thể không được tổ chức giống nhau ở tất cả các đơn vị hành chính. Có đơn vị hành chính sẽ có cả Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, trong trường hợp đó Ủy ban nhân dân sẽ do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu ra và sẽ có đơn vị hành chính không nhất thiết phải tổ chức gồm cả Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân như mô hình chính quyền địa phương theo Hiến pháp năm 1992. Điểm mới này cũng đặt ra yêu cầu cần phải tổng kết kết quả việc thực hiện thí điểm Nghị quyết số 26/2008/QH12 không tổ chức Hội đồng nhân dân ở cấp quận, huyện, phường để làm cơ sở thực tiễn cho việc xác định những đơn vị hành chính nào cần tổ chức cấp chính quyền địa phương và những đơn vị hành chính nào không cần tổ chức cấp chính quyền địa phương từ đó xây dựng mô hình chính quyền địa phương trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương cho phù hợp với Hiến pháp năm 2013./. 

Tác giả bài viết: Ngọc Chân

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây