Công an tỉnh Bình Định: Điểm sáng trong công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật

Thứ tư - 06/10/2021 17:37 98 0
Thi hành pháp luật và bảo đảm thi hành pháp luật luôn được coi là trách nhiệm của tất cả các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị, tổ chức xã hội, tổ chức chính trị - xã hội, của doanh nghiệp và của các cá nhân. Xuất phát từ ý nghĩa và tầm quan trọng đó, ngày 03/3/2010, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 03/2010/TT-BTP hướng dẫn thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Để phù hợp với yêu cầu thực tiễn thi hành của công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật, ngày 23/7/2012 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP thay thế Thông tư số 03/2010/TT-BTP. Đây là nhiệm vụ mới được Chính phủ giao cho ngành tư pháp trong việc giúp Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật của các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị, tổ chức xã hội, tổ chức chính trị - xã hội, của doanh nghiệp và của các cá nhân.
Tại tỉnh Bình Định, trong thời gian qua, các sở, ngành, địa phương đã tích cực triển khai công tác theo dõi thi hành pháp luật theo Nghị định số 59/2012/NĐ-CPvà đã bước đầu đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, cho đến nay, theo dõi thi hành pháp luật vẫn là một nhiệm vụ mới, có tính chất phức tạp, có phạm vi rộng, liên quan đến tổ chức và hoạt động của tất cả các cơ quan, tổ chức từ trung ương đến địa phương. Mặc dù công tác này có nhiều khó khăn nhưng qua kết quả thực hiện thì có một số đơn vị đã thực hiện tốt công tác này. Điển hình là Công an tỉnh Bình Định.
 Nhằm nâng cao hiệu quả công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lực lượng Công an của tỉnh, Đảng ủy và Lãnh đạo Công an tỉnh luôn quán triệt, tạo điều kiện cho cán bộ, đảng viên của ngành về ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật thông qua các hoạt động thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các quy định của pháp luật có liên quan đến công tác này như Nghị định số 59/2012/NĐ-CP, các văn bản, kế hoạch của ngành Công an đến từng cán bộ, chiến sỹ. Từ đó góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tự giác, tôn trọng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, nhân dân đối với cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng Công an. Việc triển khai thực hiện công tác này được tiến hành đồng bộ, thống nhất từ từ đến cấp huyện, cấp xãmột cách thường xuyên, toàn diện, có trọng tâm trọng điểm được kết hợp khoa học giữa công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật với công tác theo dõi tình hình an ninh, trật tự trên từng lĩnh vực, từng địa bàn. Bên cạnh đó, Công an tỉnh xây dựng kế hoạch phối hợp với các cơ quan: Tòa án, Viện Kiểm sát, các ban, ngành có liên quan tổ chức rà soát, bổ sung những quy chế phối hợp đã có hoặc ban hành quy chế phối hợp mới trong hoạt động tố tụng theo hướng chặt chẽ, đúng các quy định của pháp luật, kịp thời và có hiệu quả so với trước khi chưa có quy định về công tác theo dõi thi hành pháp luật. Vì vậy công tác tiếp nhận và xử lý tin báo, tố giác tội phạm, thông tin về hoạt động của tội phạmđược xử lý kịp thời, phù hợp với tình hình đấu tranh phòng, chống tội phạm ở địa phương, hạn chế sự chồng chéo, trùng lặp trong việc thực hiện công tác này. Đồng thời, việc thực hiện tốt công tác này cũng đã làm hạn chế tình trạng khiếu kiện, khiếu nại kéo dài, vượt cấp gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
 Để thực hiện tốt công tác theo dõi thi hành pháp luật, trong thời gian qua công tác ban hành hoặc tham mưu, đề xuất cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành văn bản quy phạm pháp luật đã được Công an tỉnh chú trọng. Trong 6 tháng đầu năm 2014, đã ban hành hoặc tham mưu, đề xuất cơ quan có thẩm quyền ban hành trên 10 văn bản để triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Công an nói noi và công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật nói riêng. Qua đó, đã tạo cơ sở pháp lý cho việc tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành được thuận lợi, kịp thời và hiệu quả. Song song với công tác này, việc tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho lực lượng của ngành, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và phát động phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật được tổ chức bằng nhiều hình thức phù hợp, thích hợp với mọi đối tượng, lứa tuổi, phong tục tập quán vùng miền. Thời gian qua, ngành đã chủ động và phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức hàng trăm lớp tập huấn, tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật trên 100.000 lượt người tham gia, phát hành trên 150.000 tài liệu, tờ rơi nhằm truyền thông một cách đầu đủ, kịp thời các nội dung pháp luật trên các lĩnh vực. Vì vậy đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật trên các lĩnh vực.
 Nhìn chung, công tác công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật của Công an tỉnh Bình Định cũng đã có chuyển biến tích cực, được hoàn thiện một bước với việc Chính phủ ban hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP, qua đó tạo cơ sở pháp lý cho việc theo dõi, đánh giá tình hình thi hành pháp luật trong phạm vi của ngành trên địa bàn tỉnh. Việc xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật thuộc lĩnh vực và địa bàn quản lý đã bắt đầu đi vào nền nếp và đạt được một số kết quả bước đầu; trong đó đã tập trung vào một số lĩnh vực đang thu hút nhiều sự chú ý của dư luận như công tác bắt, giam giữ, điều tra, xử lý nhằm đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra oan, sai; hạn chế thấp nhất tình trạng khiếu nại, tố cáo của công dân, tổ chức. Công tác theo dõi thi hành pháp luật đã có sự gắn kết hơn với công tác giáo dục chính trị tư tưởng, bước đầu hình thành cơ chế đồng bộ trong công tác theo dõi thi hành pháp luật với các phòng trào của ngành Công an trong phạm vi toàn tỉnh bảo đảm thống nhất, hiệu lực, hiệu quả.
                
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được cần phát huy, nhân rộng thì công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật của Công an Bình Định còn một số hạn chế, tồn tại như công tác này ở cấp huyện chưa được đầu tư đúng mức. Lực lượng thực hiện công tác này còn thiếu và chưa có kinh nghiệm vì chưa được bố trí chuyên trách, phải kiêm nhiệm nhiều phần việc khác nhau nên còn thiếu tính chuyên sâu và chưa đáp ứng một cách hiệu quả công tác này. Mặc khác, công tác này có phạm vi rất rộng, các quy định về công tác theo dõi thi hành pháp luật chưa thật sự đầy đủ.Vì vậy, việc xác định phạm vi theo dõi là không đơn giản, nhất là trong phạm vi quản lý theo lĩnh vựccủa ngành Công an.
               
Phát huy kết quả đạt được, Công an tỉnh Bình Định đã có những giải pháp hữu hiệu đề khắc phục những tồn tại hạn chế như trong thời gian qua để nhằm thực hiện tốt Nghị định số 59/2012/NĐ-CP, đưa công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong phạm vi của ngành phù hợp với vai trò của công tác này trong việc thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 cũng như quá trình xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN của nước ta trong giai đoạn hiện nay./.

Tác giả bài viết: Lê Kim Chinh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây