Vừa qua, Sở Tư pháp đã tổ chức lấy ý kiến đối với dự thảo Thông tưnói trên. Đối tượng được lấy ý kiến bao gồm: Lãnh đạo Sở Tư pháp; Trưởng, Phó các phòng chuyên môn thuộc Sở; Phòng Hành chính và Bổ trợ tư pháp; Phòng Văn bản quy phạm pháp luật và Quản lý xử lý vi phạm hành chính.
Sau gần 10 năm thực hiện Thông tư số 21/2011/TT-BTP, cho đến nay, một số quy định pháp luật liên quan đến công tác quản lý các Văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam đã được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới như Thông tư số 08/2011/TT-BTP, Thông tư số 10/2020/TT-BTP, Nghị định số 82/2020/NĐ-CP; theo đó, Thông tư số 21/2011/TT-BTP đã bộc lộ những điểm không thống nhất, chưa phù hợp với quy định pháp luật hiện hành. Do vậy, phần lớn các thành viên được lấy ý kiến đều thống nhất cho rằng việc ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 21/2011/TT-BTP ngày 21/11/2011 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc quản lý Văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam là cần thiết nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn quản lý các Văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam, qua đó, đảm bảo công tác quản lý các Văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam được thực hiện một cách thống nhất và hiệu quả.
Các thành viên được lấy ý kiến đã tham gia góp ý về một số vấn đề chính trong dự thảo Thông tư như: Đề nghị chỉnh sửa điểm m khoản 1 Điều 6 Thông tư số 21/2011/TT-BTP thành “Thay mặt người nhận con nuôi xin cấp giấy chứng nhận việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài phù hợp với Công ước La hay số 33 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế” vì theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 43 Luật Nuôi con nuôi thì Văn phòng con nuôi nước ngoài được thay mặt người nhận con nuôi tiến hành các hoạt động nhằm thực hiện các thủ tục như: Hoàn thiện hồ sơ của người nhận con nuôi, nộp hồ sơ của người nhận con nuôi cho Cục Con nuôi, nộp lệ phí đăng ký con nuôi nước ngoài theo quy định…; tại khoản 3 Điều 6 Thông tư số 21/2011/TT-BTP, đề nghị quy định cụ thể trong trường hợptổ chức con nuôi nước ngoài bị thu hồi giấy phép hoạt động tại Việt Nam thì Cục Con nuôi trao đổi với cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài nào nhằm đảm bảo thực hiện việc tiếp tục hỗ trợ giải quyết đối với các hồ sơ của người nhận con nuôi đang trong quá trình giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền Việt Nam và đôn đốc cha mẹ nuôi báo cáo tình hình phát triển của trẻ em Việt Nam được chấp nhận làm con nuôi ở nước ngoài trong vòng 3 năm kể từ khi trẻ em được nhận làm con nuôi; đề nghị bổ sung quy định về thời hạn lưu trữ hồ sơ của cha mẹ nuôi, hồ sơ của trẻ em được giới thiệu làm con nuôi; đề nghị quy định rõ trong trường hợp Văn phòng con nuôi nước ngoài bị thu hồi Giấy phép hoạt động nuôi con nuôi nước ngoài tại Việt Nam thì hồ sơ của cha mẹ nuôi, hồ sơ của trẻ em được giới thiệu làm con nuôi được chuyển giao lại cho cơ quan nào để tiếp tục thực hiện việc lưu trữ hồ sơ theo quy định; Ban soạn thảo cần bổ sung quy định về mẫu báo cáo tình hình hoạt động của Văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam để thuận lợi cho công tác báo cáo, thống kê và thống nhất áp dụng thực hiện trong cả nước; đề nghị bổ sung hình thức lưu trữ “hồ sơ điện tử” đối với các giấy tờ liên quan đến hồ sơ của cha mẹ nuôi, hồ sơ của trẻ em được giới thiệu làm con nuôi để đảm bảo quy định đầy đủ các hình thức lưu trữ hồ sơ theo quy định,...
Tác giả bài viết: Thu Thảo