Thực hiện Kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; tài nguyên nước và khoáng sản; khí tượng thủy văn; đo đạc và bản đồ.
Việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; tài nguyên nước và khoáng sản; khí tượng thủy văn; đo đạc và bản đồ đã được quy định tại các nghị định: Nghị định số 91/2019/NĐ-CP, Nghị định số 36/2020/NĐ-CP, Nghị định số 173/2013/NĐ-CP và Nghị định số 18/2020/NĐ-CP. Tuy nhiên, hiện nay, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2020 có nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung, trong đó một số nội dung sửa đổi liên quan trực tiếp đến việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên nước và khoáng sản, khí tượng thủy văn, đo đạc và bản đồ. Do vậy, để bảo đảm phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2020 và đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, thực tiễn trong quá trình xử phạt vi phạm hành chính thì việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; tài nguyên nước và khoáng sản; khí tượng thủy văn; đo đạc và bản đồ là thật sự cần thiết.
Các thành viên được lấy ý kiến đã tham gia góp ý về một số vấn đề chính trong dự thảo Nghị định như: Đề nghị sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 2 Điều 3 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP cho phù hợp với quy định tại khoản 4 và khoản 6 Điều 50 Luật Đất đaivàđảm bảo phù hợp với nguyên tắc “không được quy định trách nhiệm pháp lý nặng hơn” khi quy định hiệu lực trở về trước của văn bản quy phạm pháp luật tại điểm b khoản 2 Điều 152 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể trường hợp người sử dụng đất đã nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành nhưng chưa được giải quyết theo quy định thì không bị xử phạt vì những trường hợp này, do cơ quan cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không giải quyết dẫn đến hậu quả là người sử đất bị áp dụng theo Nghị định này; cần cân nhắc, xem xét lại cách xác định số lợi bất hợp pháp theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP và dự thảo Nghị định (có nhân (x) với số năm vi phạm); đề nghị chỉnh sửa quy định về thời hạn áp dụng các biện pháp xử phạt bổ sung là “kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành” tại Điều 2 Dự thảo vì trong trường hợp quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành nhưng cá nhân, tổ chức chưa nhận được quyết định thì việc tính thời hạn áp dụng các biện pháp xử phạt bổ sung từ thời điểm quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành là không hợp lý; cần quy định thời hiệu xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai cho phù hợp, thống nhất với Luật Xử lý vi phạm hành chính để đảm bảo tính khả thi khi áp dụng,…
Tác giả bài viết: Thu Thảo